Luật chuyển giao công nghệ: Nên “siết” hay “mở”
Bên cạnh những lợi ích thiết thực, Luật chuyển giao công nghệ cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Chuyển giao công nghệ còn hạn chế
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toán cầu năm 2015 của WEF, Việt Nam
đứng thứ 6 Đông Nam Á trong chỉ số năng lực cạnh tranh, trong khi trình độ công
nghệ xếp hạng 92/140 trên toàn thế giới.
Tại TP.HCM, 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có trình độ công nghệ đạt
mức trung bình. Máy móc, thiết bị yếu kém là 1 trong nhiều trở ngại khiến việc
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không cạnh tranh
nổi với hàng hóa nước ngoài.
Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng quản lý công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM
cho biết, trong hoạt động sản xuất, việc chuyển giao công nghệ giữa doanh
nghiệp và doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp... là một nhu
cầu tất yếu, thể hiện sự phát triển, đổi mới phù hợp với xu thế thị
trường.
Hiểu được điều này, những năm qua, Sở KH&CN đã triển khai lập cơ sở
dữ liệu trên 4.000 công nghệ phục vụ cho doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao.
Tất cả những dữ liệu này đều được đưa lên cổng giao dịch công nghệ trực tuyến,
giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở cũng đã tổ chức Chợ cộng nghệ - thiết bị, giúp
cho các cá nhân, tổ chức có cơ hội gặp gỡ, làm quen và trao đổi công nghệ cho
nhau.
Hiện nay, theo quy định, với những hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá
trị từ 1 tỷ đồng trở lên, các bên phải tiến hành đăng ký chứng nhận hợp đồng
chuyển giao công nghệ với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ông Trung, hoạt
động đăng ký chứng nhận này còn đang gặp khó khăn từ nhiều phía.
Cụ thể, ông Trung cho rằng, việc đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao
công nghệ vẫn còn mang tính tự nguyện, dẫn đến việc doanh nghiệp thích thì đăng
ký, không thì thôi, không bị xử lý. Theo thống kê, 80% số đăng
ký chứng nhận chuyển giao là từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước
chưa mặn mà lắm với quy định này.
Một khó khăn khác, hiện nay, chúng ta chưa có nhiều tổ chức có khả năng
định giá, môi giới tư vấn công nghệ. Điều này khiến cho doanh nghiệp cứ loay
hoay tự bơi để tìm kiếm sản phẩm phù hợp cho mình. Nhiều trường hợp phải mua
với giá cao hơn giá trị thật rất nhiều lần mà không biết.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thụ động trong đổi mới công nghệ còn
chiếm phần lớn. Trong tương lai, khi quá trình hội nhập TPP hay ASEAN diễn ra
mạnh mẽ, nếu không có sự thay đổi, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ “chết” ngay trên
chính sân nhà của mình.
Nới hay siết chặt?
Chia sẻ kinh nghiệm của chính mình, đại diện công ty Vĩ Long cho biết,
trước đây, khi mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp này cũng đã hợp tác với
một số đơn vị để chuyển giao công nghệ phục vụ cho quá trình sản xuất.
“Trong quá trình thử nghiệm, máy móc chạy rất tốt khiến chúng tôi rất
vui mừng. Thế nhưng, khi đưa vào sản xuất đại trà thì bắt đầu phát sinh lỗi.
Sản phẩm chưa đưa được đến tay người tiêu dùng thì đã phải mang về lại, khiến
công ty điêu đứng, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ đến khi trải qua 5
lần sửa chữa, số máy móc này mới có thể đi vào hoạt động ổn định cho tới tận
bây giờ”.
Từ đó, vị này cho rằng, khi chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp cần phải
có sự tìm hiểu kỹ càng và quy định chặt chẽ về việc hỗ trợ đào tạo và vận hành
máy móc. Bởi không ít trường hợp, thiết bị, công nghệ chạy tốt ở nơi này nhưng
lại gặp trục trặc ở nơi khác do những khác biệt về nguyên vật liệu đầu vào.
Ngoài ra, khi lựa chọn chuyển giao công nghệ, nên chọn những công nghệ
nào đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp hạn
chế bớt rủi ro khi công nghệ có thể chuyển giao cho bất cứ đơn vị nào.
“Việc yêu cầu độc quyền về máy móc sẽ khiến chi phí chuyển giao tăng
cao, nhưng lại là một việc làm cần thiết nếu như có tiềm lực tài chính mạnh.
Hãy cứ tưởng tượng, công nghệ là một ngôi nhà chung, ai cũng vào được và sử
dụng nếu như không tự chúng ta mua một cái khóa để khóa nó vào”.
Chia sẻ tại hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp về tình hình
thực thi Luật Chuyển giao công nghệ trên địa bàn TP.HCM” do Sở KH&CN TP tổ
chức chiều 29/8, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo
Thiết kế vi mạch (ICDREC) cho rằng, Luật này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh
nghiệp khi đưa vào thực hiện.
Cụ thể, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký chứng nhận
chuyển giao công nghệ với cơ quan chức năng giống như đang chuyển từ trạng thái
thị trường cởi mở sang siết chặt, có thể ảnh hưởng đến thị trường chuyển giao
công nghệ trong thời gian tới.
“Theo như dự thảo, hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ có hiệu lực khi đã
thực hiện xong việc đăng ký với cơ quan chức năng. Điều đó khiến quy định này
giống như một giấy phép con, làm mất thời gian của doanh nghiệp. Nếu thuận lợi
thì không sao, nhưng chỉ cần bị giam một vài tháng là mất hết khách hàng”.
Ngược với quan điểm nói trên, ông Dương Minh Tâm, Phó ban quản lý Khu
Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ như
là một sự xác nhận của cơ quan chức năng. “Chúng ta hãy coi nó như một cuộc hôn
nhân, cần giấy đăng ký kết hôn có thông tin từ hai phía. Như vậy, đến khi có sự
cố xảy ra thì sẽ có người đứng ra giải quyết, hài hòa lợi ích giữa hai bên”.
Theo ông Tâm, hiện nay, chúng ta có sự yếu kém rất lớn về soạn thảo hợp
đồng chuyển giao công nghệ. “Hầu hết đều không nhờ luật sư mà tự thỏa thuận với
nhau. Đến khi tranh chấp xảy ra thì tự mình chịu thiệt hại. Ở nước ngoài, họ
soạn thảo hợp đồng rất kỹ, với đội ngũ luật sư hùng hậu. Tôi đã đọc nhiều hợp
đồng ký kết lên tới hàng trăm trang với những điều khoản rất nhỏ nhặt mà chúng
ta ít khi để ý tới. Nhưng khi có chuyện rồi, họ đưa ra những cái đó mới thấy
chúng ta thiếu xót thế nào”.
Do đó, theo ông Tâm, hoạt động quản lý nhà nước về chuyển giao công
nghệ, không thể chỉ để ở việc tự nguyện nữa, mà cần phải siết chặt thông qua
các hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư...
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, Luật Chuyển giao
công nghệ ra đời nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp phát
triển mạnh hơn nữa.
Thời gian qua, TP có hàng ngàn đề tài nghiên cứu, nhưng chỉ số ít trong
đó chuyển giao, thương mại hóa được. Điều này xuất phát từ các đơn vị nghiên
cứu, cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung với nhau.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ có thêm nhiều chương
trình, hoạt động để kết nối các đơn vị doanh nghiệp này.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đang diễn ra hết sức
mạnh mẽ. Các Startup đang rất mong muốn các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu của
mình để thương mại hóa các sản phẩm. Đây là một vấn đề khó khăn cần có sự đóng
góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học. Nhưng nếu làm được, sẽ
trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tương
lai.