Anh: Hàng triệu người là nạn nhân của nghiên cứu thuốc giả
Hàng triệu bệnh nhân Anh đã sử dụng những loại thuốc không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được lưu hành dựa trên kết quả nghiên cứu ngụy tạo bởi một chuyên gia gây mê hàng đầu thế giới, theo tờ Daily Telegraph.
Joachim Boldt, một bác sĩ người
Đức 57 tuổi, có nhiều bài viết trên các báo khoa học Anh, hiện đang là đối
tượng điều tra giữa những cáo buộc rằng ông này đã giả mạo đến 90% số công
trình nghiên cứu của mình. Hiện ông Boldt đã bị mất chức giáo sư và bị sa thải
khỏi chức trưởng khoa gây mê tại Bệnh viện Ludwigshafen (Đức) sau cáo buộc ông
này đã giả mạo các nghiên cứu về một loại thuốc tên gọi colloid.
Colloid, một loại thuốc keo
chuyên dụng trong các ca phẫu thuật, đã được kê cho hàng triệu bệnh nhân tại
Anh dựa trên các công trình nghiên cứu “uy tín” của giáo sư Boldt.
Hiện Bộ Y tế Anh đang xem xét
việc tiếp tục cho sử dụng colloid sau khi bốn trong số các công trình nghiên
cứu lớn của ông Boldt về colloid đã chính thức bị bác bỏ. Các chuyên gia cũng
đang dự định bác bỏ thêm khoảng 89 công trình nghiên cứu khác của bác sĩ Boldt.
Ông Boldt bị nghi đã gian lận từ
một thập kỷ trước, khi ông cho xuất bản nhiều bài viết chứng minh sự an toàn
của colloid, trái ngược với nhiều công trình nghiên cứu trước đó cho thấy,
colloid có thể gây suy thận, mất máu và trụy tim cho người sử dụng. Một nghiên
cứu bởi đại học London năm 1998 cho thấy, colloid có thể làm tăng 4% khả năng
tử vong trên các bệnh nhân.
Giáo sư Rupert Pearse, một trong
những người đầu tiên đặt nghi vấn về các nghiên cứu của bác sĩ Bolt, nói rằng
ông bắt đầu nghi ngờ khi nhìn thấy các con số trong dữ liệu nghiên cứu “quá
hoàn hảo đến mức khó tin”.
Điều tra hình sự
Cơ quan chức năng Đức cũng đang
mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Boldt về những cáo buộc khác như giả mạo
tài liệu, thử nghiệm thuốc trên bệnh nhân mà không có sự đồng ý của họ và đòi
tiền cho các ca phẫu thuật không tồn tại.
Các nhân viên điều tra còn chú ý
đến việc ông Boldt nhận được tài trợ từ các công ty chuyên sản xuất colloid như
B. Braun, Baxter và Fresenius Kabi. Ông Boldt cũng được trả tiền trong các hội
thảo quốc tế, nơi ông thường xuyên ca ngợi colloid như một loại “thần dược”
trong giải phẫu.
Được biết, giá của colloid đắt
gấp 10 lần so với crystalloid - một loại thuốc được đánh giá có tính năng tương
tự nhưng an toàn hơn cho người sử dụng.
Các nhà phân tích nhận xét đây
có thể là vụ bê bối y tế lớn nhất tại Anh kể từ sau vụ Andrew Wakefield, bác sĩ
phẫu thuật người Anh từng tuyên bố có mối liên hệ giữa các loại văcxin với
chứng bệnh tự kỷ. Mặc dù cuộc nghiên cứu vào năm 1998 của Wakefield sau đó đã
bị nhiều tổ chức y tế có uy tín bác bỏ nhưng hậu quả của nó vẫn kéo dài tới tận
ngày nay.
Nhiều phụ huynh đã sợ hãi và
không cho con cái họ đi tiêm phòng văcxin sởi, quai bị, rubella, dẫn đến sự
quay trở lại của bệnh sởi ở nhiều nước phương Tây, các quốc gia vốn trước đó
hầu như đã diệt trừ được căn bệnh này.