Đan Mạch giúp Việt Nam đối phó biến đổi khí hậu
Đan Mạch tài trợ 45 triệu curon, tương đương 8 triệu USD, cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Hôm qua thỏa thuận tài trợ được ký giữa Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cùng với Đại sứ Đan mạch John Nielsen.
Đại sứ John Nielsen và Thứ trưởng Trần Việt Thanh ký hiệp định gia hạn chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Đan Mạch thêm ba năm.
Tổng số tiền mà Đan Mạch tài trợ là khoảng 8 triệu USD trong ba năm (từ 2011 đến 2013). Theo đó, trong năm nay, ngân sách tài trợ khoảng 2,7 triệu USD với ba dự án được lựa chọn.
Số tiền này sẽ được chi ra trong ba năm, từ nay đến 2013, cho các dự án về biến đổi khí hậu; tìm kiếm các giải pháp góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nghiên cứu của Việt Nam; nâng cao hạ tầng nghiên cứu cho một số tổ chức khoa học, công nghệ trong nước.
Theo ông Trần Việt Thanh, trong chương trình hợp tác nghiên cứu lần này các nhà khoa học Việt Nam sẽ chủ trì dự án và chủ động lựa chọn đối tác Đan Mạch để cùng hợp tác trên cơ sở các chủ đề ưu tiên trong nước.
Đại sứ Đan mạch John Nielsen cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, việc hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này là ưu tiên cao nhất chính phủ Đan Mạch".
Triều cường gây ngập ở TP HCM. Khi biến đổi khí hậu tăng, dự kiến mực nước biển dâng lên gây ảnh hưởng đến các vùng duyên hải. Ảnh: Vĩnh Phú.
Ông cũng thể hiện sự hài lòng đến nay của chương trình, đồng thời khẳng định việc tiếp tục chương trình một lần nữa thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đan mạch.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh tin tưởng rằng giai đoạn mới của chương trình sẽ mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các nhà nghiên cứu của hai nước và kết quả của sự hợp tác đó có thể được ứng dụng trong tương lai.
Theo Báo cáo Phát triển Con người của UNDP năm 2007/2008, với kịch bản nước biển dâng một mét, khoảng 22 triệu người, tương đương một phần tư dân số Việt Nam sẽ phải di dời khỏi nơi sinh sống. Nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển xâm thực và mùa màng bị phá hủy nặng nề do ngập úng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình này.