SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ hút CO2 trong không khí

[12/03/2011 19:23]

(TNO) Các chuyên gia nghiên cứu Mỹ vừa đưa ra một loại thiết bị lọc chân không dùng để hút khí thải nhà kính ra khỏi không khí.

Theo tạp chí khoa học New Scientist, việc lọc không khí giúp loại bỏ carbon dioxide (CO2) ra khỏi không khí đang trở thành một cách thức đầy hứa hẹn nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu.

Khác với máy hấp thu carbon từ ống khói của các nhà máy điện, công nghệ mới có khả năng giảm nồng độ CO2 hiện tại thay vì chỉ làm chậm tốc độ tăng của loại khí này trong không khí.

Để chứng minh công nghệ này hoạt động hiệu quả, chuyên gia Christopher Jones thuộc Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta (Mỹ) đã thử nghiệm một chất hấp thu CO2 nhờ các amine, hóa chất được sử dụng chủ yếu trong các thử nghiệm hấp thu carbon tại nhà máy điện, trên các loại khí có nồng độ CO2 tương tự như không khí.

Ông nhận thấy vật liệu này có thể hấp thu nhanh chóng CO2 từ khí mà không bị thoái hóa. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng nếu công nghệ này được sử dụng trên diện rộng.

Tuy nhiên, không giống những amine lỏng thường được sử dụng trong thiết bị hấp thu carbon ở các nhà máy điện, vốn thường tiêu tốn nhiều năng lượng do các amine phải được nung tới nhiệt độ cao để giải phóng CO2 mà chúng thu giữ được, các chuyên gia đã tạo ra một loại vật liệu mới gọi là chuỗi aminosilica, trong đó các amine được giữ trên một chất nền bằng silica rắn nhiều lỗ rỗng.

Các amine rắn sẽ thu giữ CO2 khi được nung tới 110oC, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ các dung dịch amine lỏng thường thấy ở các nhà máy điện, dẫn tới việc giảm đến 75% năng lượng cần sử dụng.

Theo Peter Eisenberger thuộc công ty Global Thermostat chuyên hấp thu carbon từ không khí có trụ sở ở New York (Mỹ), điều đó cũng có nghĩa là năng lượng cần thiết cho việc hút CO2 có thể được cung cấp bởi rất nhiều nguồn, chẳng hạn như nhiệt thải từ các nhà máy công nghiệp.

Thiết bị hấp thu CO2 này cũng có thể được vận hành nhờ năng lượng mặt trời. Lượng CO2 sau đó có thể dùng để “nuôi” tảo, vốn hấp thu chất khí này để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Jones đang tiến hành thử nghiệm một nhà máy hấp thu không khí quy mô nhỏ tại Công viên Menlo thuộc tiểu bang California, Mỹ. Nhà máy này hấp thu 2 tấn CO2 từ không khí mỗi ngày. Một nhà máy thương mại sẽ có thể hấp thu 1 triệu tấn CO2/ngày.
Thanh niên Online (nhoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ