Tái chế ắc quy chì thải bằng công nghệ trung hòa dung dịch điện phân
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã cấp phép đầu tư công nghệ xử lý tái chế ắc quy chì thải cho 6 cơ sở, công suất trung bình từ 0,5 - 200 tấn/ngày.
Nguyên lý của công nghệ
tái chế ắc quy chì thải, đầu tiên phải trung hòa dung dịch chất điện phân (dung
dịch axit) sau đó phá dỡ phân loại riêng bản cực chì và vỏ cách (nhựa PP). Hiện
nay, một số đơn vị đã đầu tư và đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại tái chế ắc
quy toàn bộ quy trình được tự động hóa, từ khâu nạp nhiên liệu đến khâu cuối
cùng là phân tách riêng chì và vỏ nhựa, nguyên lý hoạt động của công nghệ như
sau: bình ắc quy có cả dung dịch axit được đưa vào máy nghiền đồng thời bổ sung
dung dịch kiềm (sô đa) để trung hòa, sau đó hỗn hợp sau nghiền được đưa tới hệ thống
phân tách bằng nước, nhựa có tỷ trọng bé nổi lên trên, còn chì tỷ trọng lớn
chìm xuống dưới và được vớt bởi gầu chuyên dụng.
Công nghệ này có ưu
điểm dễ vận hành, hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm tài nguyên do thu hồi được
nguyên liệu chì. Tuy nhiên, trong quá trình tái chế ắc quy, chì thải luôn đi
kèm với việc tinh luyện chì nên nếu không có biện pháp kiểm soát tốt khí thải
từ quá trình tinh luyện sẽ gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục hậu quả này,
các hệ thống tái chế ắc quy chì thải cần đầu tư hệ thống thu hồi và xử lý hơi
axit và khí thải từ quá trình tinh luyện chì và các thiết bị giám sát môi
trường tự động đối với hệ thống xử lý khí thải.