Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ bang Massashusetts, Mỹ vừa chế tạo thành công một loại "lá cây" có khả năng sản sinh năng lượng nhanh hơn lá cây tự nhiên gấp 10 lần. Đây được coi là một bước tiến mới trong công nghệ khai thác năng lượng Mặt trời.
Tờ Daily Mail Reporter số
ra mới đây dẫn lời GS Daniel Nocera, chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên, cho
biết lá cây nhân tạo được sản xuất từ chất silicon, có gắn các mạch điện tử và
được chế tạo dựa theo nguyên tắc quang hợp của lá cây tự nhiên.
Khi được tiếp xúc với nước
và ánh sáng Mặt trời, lá cây nhân tạo sẽ tách hai thành tố chính của nước là
ôxy và hiđrô, sau đó tích trữ chúng trong một khoang nhiên liệu và được dùng để
sản xuất điện. Các thí nghiệm ban đầu cho thấy quá trình quang hợp diễn ra rất
ổn định, phản ứng hóa học tách ôxy và hiđrô diễn ra liên tục trong suốt 45 giờ
mà không bị gián đoạn.
Theo Giáo sư Nocera, với
bốn lít nước, một chiếc lá nhân tạo có thể sản xuất ra điện đủ để dùng trong
một ngày cho một gia đình tại các nước đang phát triển, hoặc đủ để sưởi ấm
trong một ngày cho mỗi gia đình tại các nước phát triển. Nếu mỗi gia đình trên
hành tinh, mỗi ngày dùng một lá cây nhân tạo và khoảng 4 lít nước, thì sản
lượng điện toàn thế giới sẽ tăng thêm 14 tỷ Kw.
Phát minh này thu hút sự
chú ý của giới công nghiệp. Theo báo chí Anh, tập đoàn Tata của Ấn Độ đã ký
thỏa thuận với giáo sư Nocera để sản xuất trạm phát điện có kích cỡ bằng chiếc
tủ lạnh, trong vòng 18 tháng tới.
Đây không phải là lần đầu
tiên, giới khoa học chế tạo ra lá cây nhân tạo hoạt động theo nguyên tắc quang
hợp. Cách đây trên một thập niên, chuyên gia John Turner thuộc Phòng Thí nghiệm
Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ, đã làm được việc này. Nhưng sản phẩm được chế
tạo từ những vật liệu hiếm và rất đắt, chỉ hoạt động được trong vòng chưa đầy
một ngày và rất không ổn định.
Sáng chế mới có tính khả
thi hơn do phát hiện các chất xúc tác mới có khả năng hoạt động mạnh, lại rẻ
tiền, sẵn có và dồi dào trên Trái đất như niken và côban.