Chế tạo máy phát điện nano thực nghiệm đầu tiên
Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Georgia vừa công bố chế tạo được máy phát điện nano thực nghiệm đầu tiên.
Thiết bị này được nghiên
cứu bởi nhóm nghiên cứu của TS Zhong Lin Wang. Phần sạc điện được tạo ra từ các
dây oxit kẽm nano. Các dây này sẽ tạo ra điện khi được gập lại hay kéo căng ra.
Do các ống nano này rất nhỏ (500 dây có thể nhét vừa bên trong sợi tóc của con
người), nhóm nghiên cứu của TS Zhong Lin Wang đã có thể đặt hàng triệu dây này
lên các miếng chip làm bằng polyme linh hoạt. Độ lớn của mỗi chip bằng khoảng 1/4
tem thư. Khi 5 miếng chip được xếp chồng lên nhau (mỗi miếng chip là một nguồn
phát), chúng sẽ tạo ra dòng điện đầu ra là 1 µA ở 3V. Con số này gấp 150 lần
điện áp mà nhóm đạt được lần đầu tiên 6 năm trước, và tương đương với điện áp
được tạo ra bởi 2 pin AA thông thường. Để sạc máy phát điện nano này, các nhà
khoa học chỉ cần ép nó vào giữa các ngón tay. Trong buổi thuyết minh tại Hội
nghị và Triển lãm Quốc gia lần thứ 241 của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, tháng
4/2011, các nhà khoa học đã sử dụng máy phát này để thắp sáng một bóng đèn LED
và cung cấp điện cho một màn hình tinh thể lỏng. TS Zhong Lin Wang tin rằng
bằng việc đưa thêm nhiều ống nano vào máy phát điện và chập các nguồn phát điện
lại với nhau, sẽ có thể sản xuất đủ điện năng để vận hành máy iPod hoặc sạc
điện thoại di động. Sự phát triển này là một sự kiện quan trọng trong việc sản
xuất thiết bị điện di động, có thể được cung cấp năng lượng nhờ chuyển động của
cơ thể mà không phải sử dụng pin hay ổ cắm điện.
Công nghệ của Georgia đang
tìm kiếm công ty quan tâm để sản xuất máy phát điện nano thương mại với ước
tính của TS Zhong Lin Wang, công nghệ này có thể đánh mạnh vào thị trường trong
vòng 3-5 năm. Ứng dụng đầu tiên có thể là bộ cảm biến môi trường có khả năng
lưu giữ điện trong tụ điện và sau đó truyền dữ liệu không dây.