SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lộ trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học theo Đề án 1665

[04/06/2019 08:46]

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, không ít trường đại học vẫn còn coi hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp” là tách rời và mới chỉ quan tâm tới hoạt động “sáng tạo” mà chưa thực sự quan tâm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Với việc ra đời của Đề án 1665/QĐ-TTg (1), Chính phủ đã đưa ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học. Sau gần 2 năm khởi động, đến nay, Đề án 1665 đã đưa ra các bước đi cụ thể trong việc thực hiện xây dựng hệ sinh thái này ở các trường đại học.

Hình 1. Các thành tố chính của hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học
Tại Lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Tôi mong thanh niên Việt Nam coi khởi nghiệp không chỉ là một con đường kiếm tiền, mà là một triết lý sống. Mong rằng các bạn có ước mơ lớn, sự chuẩn bị khôn ngoan, lòng quyết tâm, tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Từ năm 2017, nhiều văn bản/đề án quan trọng về khởi nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có Đề án 1665. Thực tế cho thấy, trong hai hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp”, không ít trường đại học còn tách rời và mới chỉ quan tâm tới hoạt động “sáng tạo” (dưới hình thức “sinh viên nghiên cứu khoa học”) mà chưa thực sự gắn kết cả hai hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp”. Vì thế, hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học hiện nay cần phải được quan tâm thúc đẩy hơn nữa thông qua các kế hoạch và mục tiêu cụ thể. 

Các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học 
Để khởi nghiệp thành công, chúng ta không thể nhắc tới một yếu tố quan trọng, đó chính là tinh thần khởi nghiệp (Entrepreneurship), còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu, những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão, khát vọng biết vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới và sáng tạo. Vì thế, để giúp sinh viên có tinh thần khởi nghiệp tốt, các trường đại học cần phải thay đổi toàn diện về chính sách, hệ thống, đầu tư nguồn lực, trang bị cơ sở hạ tầng mới có đủ điều kiện tốt nhất để hỗ trợ sinh viên từ khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp đến khám phá bản thân và trải nghiệm thực tế đối với các dự án khởi nghiệp. Hay nói cách khác, các nhà trường phải từng bước hình thành và xây dựng ngay trong trường mình hệ sinh thái khởi nghiệp mà chủ thể là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiệm vụ này được cụ thể hóa với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: hình thành cơ chế chính sách; hình thành đội ngũ nhân sự; xây dựng chương trình đào tạo; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ nguồn vốn. Hay nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp trong các đại học gồm các thành tố: Chính sách và văn hóa khởi nghiệp; Chương trình đào tạo, ươm tạo; Đội ngũ nhân sự; Cơ sở hạ tầng; Mạng lưới (doanh nghiệp, cựu sinh viên..); Quỹ và các nhà đầu tư (hình 1).

Trên thực tế, có thể khẳng định rằng, đối với các trường đại học để ngay lập tức hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nêu trên là rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là môi trường khởi nghiệp ở nước ta chưa mạnh. Chính vì vậy, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học trước hết đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo các trường phải xác định rõ mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Trên cơ sở đó mới đảm bảo lựa chọn mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh tầm nhìn và đặc điểm các nhóm ngành đào tạo của nhà trường. Theo đó, lộ trình và mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học được đề xuất sẽ chia thành 3 giai đoạn, gồm:

Giai đoạn 1: triển khai các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp đối với đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, nhiệm vụ đào tạo khởi nghiệp là giúp giảng viên và sinh viên hiểu được chủ trương của Lãnh đạo nhà trường, từ đó hình thành văn hóa khởi nghiệp trong mỗi trường đại học. Để làm được điều này cần: i) Hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách gắn kết các hoạt động khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo; ii) Xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp thành các môn học riêng hoặc lồng ghép vào các chương trình đào tạo ngắn hạn cho sinh viên. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (cho sinh viên, cán bộ ươm tạo); iii) Thành lập trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tổ chức các hoạt động ươm tạo khởi nghiệp; các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp. Tổ chức cuộc thi ý tưởng kinh doanh. Khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ sáng tạo kinh doanh và khởi nghiệp. iv) Bố trí không gian làm việc chung; v) Tổ chức kết nối với cố vấn khởi nghiệp, các doanh nghiệp và hình thành mạng lưới cựu sinh viên.
Giai đoạn 2: đây là giai đoạn đi sâu và chuyên nghiệp hóa hoạt động, do đó đòi hỏi cần: i) Tăng cường và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; ii) Xây dựng cơ chế xét duyệt, đầu tư các dự án khởi nghiệp của sinh viên (hình thành cơ chế và có phân định tỷ lệ sở hữu của sinh viên, giảng viên và nhà trường đối với các doanh nghiệp được thành lập trong quá trình hỗ trợ của nhà trường); iii) Thành lập trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ. 

Ở đây, theo kinh nghiệm của quốc tế, đối với nhóm trường kỹ thuật, công nghệ, cần xây dựng xưởng sản xuất mẫu, phòng thiết kế để hỗ trợ cho việc tạo ra sản phẩm thương mại mẫu, sản phẩm thương mại thử nghiệm. Đối với nhóm trường kinh tế, quản trị kinh doanh, cần xây dựng xưởng mô phỏng doanh nghiệp (company lab) để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp và thực hành thành lập và điều hành doanh nghiệp. 
Giai đoạn 3: là giai đoạn mà các trường tiến đến thành lập/tham gia các quỹ đầu tư startup, thành lập mô hình thúc đẩy kinh doanh, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng sinh viên, giảng viên cùng nhau giải quyết các vấn đề của thị trường và của doanh nghiệp, mở thêm các lab thương mại hoá công nghệ (theo từng chuyên ngành), liên kết thành lập/tham gia công viên khoa học. Qua quá trình tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài (2) cũng đã cho thấy, tương tác đại học - doanh nghiệp là yếu tố giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học phát triển phát triển bền vững hay không. Do đó, các trường đại học trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng lưu ý tới ba rào cản: văn hóa, thể chế và hoạt động ảnh hưởng tới mối quan hệ này.
Tiếp theo, nhằm thực hiện tốt Đề án 1665, ngày 30/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT kèm theo Kế hoạch triển khai Đề án; phê duyệt các dự án triển khai, đồng thời có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý yêu cầu triển khai các nội dung và mục tiêu mà Đề án đã đặt ra. Cùng với đó, tháng 4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án của ngành giáo dục và đào tạo năm 2019 với các nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị tham mưu triển khai Đề án 1665 sẽ từng bước triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau: 

Một là, xây dựng các bộ tài liệu (gồm tài liệu nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo các cơ sở đào tạo; tài liệu đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; tài liệu đào tạo giảng viên nguồn khởi nghiệp).
Hai là, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo.
Ba là, hướng dẫn các cơ sở đào tạo ban hành các cơ chế tài chính triển khai thực hiện đề án, thành lập các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cấp trường.
Bốn là, hình thành bộ tiêu chí đánh giá đại học theo định hướng khởi nghiệp, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách (hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ giảng viên, giáo viên, người làm công tác này tại các nhà trường...). Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, nhà đầu tư tham gia đầu tư, góp vốn vào các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. 
Năm là, xây dựng quy trình thẩm định, xét duyệt, triển khai và cơ chế đầu tư, theo dõi, quản lý, giám sát các dự án, mô hình kinh doanh được hình thành từ ý tưởng của học sinh, sinh viên. 
Sáu là, định kỳ tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. 
Bảy là, xây dựng 3 đề tài nghiên cứu về khởi nghiệp trong trường đại học (gồm: “Quỹ tín thác trường đại học - University endowment fund: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng triển khai tại Việt Nam nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp”; “Nghiên cứu đề xuất mô hình đào tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học tại Việt Nam”). Cùng với đó, Ban chỉ đạo cũng đã triển khai Đề án một cách thận trọng bởi cho rằng khởi nghiệp không dành cho tất cả sinh viên mà trước hết tạo ra một sân chơi thu hút các em tham gia, qua đó trang bị cho các em thái độ đúng đắn, tích cực với khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời với các nhiệm vụ nêu trên là các bước đi và thời gian. Trong năm 2019-2020, tại một số cơ sở đào tạo đủ mạnh thuộc 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam), sẽ tổ chức thí điểm giao các trường đại học xây dựng các nội dung đào tạo giúp sinh viên khám phá bản thân với các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ 3 cơ sở đào tạo xây dựng các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp và ban hành cơ chế hoạt động của các không gian chung đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí và để các trung tâm đó thực sự trở thành tái tim của hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo. Từ năm 2021, Đề án sẽ triển khai mở rộng giao thí điểm tại 10 cơ sở đào tạo trong cả nước và từng bước hình thành Quỹ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cấp trường đại học. 
Như vậy, với các kế hoạch, mục tiêu đã được cụ thể hóa trên, cùng với việc nắm chắc, triển khai, phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các đơn vị hữu quan, tin tưởng rằng, Đề án 1665 sẽ được triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới. Với sự đồng hành của quản lý nhà nước gồm: Chính phủ, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, các trường đại học sẽ chủ động nắm bắt thời cơ và từng bước tạo ra sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học của mình, từ đó sẽ cùng với các chương trình/đề án/dự án về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được triển khai góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mạnh mẽ và vững chắc trong thời gian tới.

Bùi Tiến Dũng
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. IPP (2018), Tài liệu thảo luận chính sách thúc đẩy giáo dục về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học tại Việt Nam.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Tài liệu dành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học.
4. Vũ Tuấn Anh (2016), Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn, NXB Dân trí.


Ghi chú
1. “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định 1665 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/10/2017.
2. R. Van Dierdonck, K. Debackere (1998), Academic entrepreneurship at Belgian Universities,https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1467-9310.1988.tb00609.x

https://khoahocvacongnghevietnam.com.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài