SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu lan truyền khối nước mang mầm bệnh trong hệ thống nuôi trồng thủy sản ven biển

[20/07/2021 14:47]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Đình Vượng, Tăng Đức Thắng - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.

Vùng ven biển tỉnh Kiên Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước mặn, lợ. Hiện nay, việc vận hành hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế của cán bộ làm công tác quản lý và trực tiếp từ người dân. Trong nhiều trường hợp phức tạp, khó có thể vận hành đạt được yêu cầu đề ra. Việc giải quyết các sự cố về nguồn nước, đặc biệt là kiểm soát lan truyền bệnh thủy sản theo đường nước từ các vùng bị dịch là vấn đề đáng quan tâm nhất.

Các nghiên cứu trước đây về thủy lợi phục vụ nuôi tôm cho vùng này đã được thực hiện, chủ yếu bởi các cơ quan chuyên ngành với các nghiên cứu quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế các hệ thống thủy lợi, đánh giá chất lượng nước vùng nuôi thông qua đo đạc khảo sát hiện trường; lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu trong phòng và đã ứng dụng mô hình toán để xem xét bài toán ô nhiễm chất lượng nước... Các nghiên cứu tuy đã giải quyết được một số mặt về môi trường nước vùng NTTS, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chẳng hạn động thái nguồn nước trong nội hệ thống chưa được xem xét thấu đáo, kéo theo đó là sự lan truyền mầm bệnh thủy sản theo nguồn nước vẫn chưa có nghiên cứu nào chuyên sâu đáng kể.

Trong nghiên cứu đã ứng dụng lý thuyết thành phần nguồn nước kết hợp với mô hình toán chất lượng nước một  chiều  vào  tính  toán  lan  truyền  “khối  nước  chứa  mầm bệnh thủy sản” theo đường nước trên hệ kênh rạch khi dịch bệnh phát ra ở một vùng nào đó trong nội hệ thống, điều này cho thấy rõ đặc tính thủy động lực môi trường trong hệ thống thông qua động thái nguồn nước ô nhiễm. Đây là cơ sở quan trọng để thiết kế quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng nuôi tôm bền vững ven biển tỉnh Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.  

Kết quả tính toán mô phỏng lan truyền nguồn nước mang mầm bệnh (TPN bệnh) trường hợp hiện trạng cho thấy, xét về mặt thủy động lực, tốc độ lan truyền TPN mang mầm bệnh trong hệ thống diễn ra khá nhanh, mức độ triết giảm tỷ lệ % nước bệnh tuy nhanh nhưng lại mở rộng trên phạm vi lớn ra ngoài hệ thống ở các vùng lân cận như tại khu vực các kênh Tà Săng - Tam Bản và tỷ lệ TPN bệnh vẫn còn lưu cữu khá lâu ở đây. Cần thiết phải có công trình điều tiết trong hệ thống để vận hành tiêu tán bệnh cho khu vực này.

Việc vận hành công trình trong hệ thống có ảnh hưởng rất lớn đến lan truyền khối nước mang mầm bệnh, nghĩa là có thể sử dụng công trình để kiểm soát lan truyền bệnh giữa các tiểu vùng. Trong thực tế, khi vận hành tiêu nước bệnh cần phải tính toán rất cẩn thận nhiều phương án. Đặc biệt chú ý hạn chế cho vùng nước bệnh tiêu qua các khu đang phát triển thủy sản dễ nhiễm bệnh như tôm, cố gắng hạn chế sự lan rộng của nguồn nước bệnh. Để giải quyết sự thâm nhập của nước bệnh vào các hệ thống cần phải chú ý xây dựng các công trình điều tiết.

Các kết quả nghiên cứu nêu trên bước đầu cho thấy, việc ứng dụng lý thuyết thành phần nguồn nước kết hợp mô hình toán chất lượng nước để tính toán mô phỏng lan truyền TPN bệnh trong hệ thống NTTS đã làm rõ được các đặc tính thủy động lực, động thái của nguồn nước chứa mầm bệnh trong các vùng nuôi thủy sản ven biển Kiên Giang, đây là cơ sở khoa học quan trọng đảm bảo cho việc thiết kế quy hoạch hệ thống thủy lợi các vùng nuôi tôm hợp lý. 

nthang

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 6 - Tháng 6/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài