SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế của cư dân vùng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

[26/09/2021 16:49]

Ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây đã có nhiều bài báo, phóng sự về môi giới trong sản xuất lúa hay còn gọi là Cò lúa; nhưng phần lớn chỉ là những phỏng vấn nhanh phản ánh hiện trạng và chưa có những bài viết nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Theo nhiều doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang có hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân trên địa bàn tại tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua, có hiện tượng Cò lúa thao túng thị trường bằng cách liên kết với các máy gặt đập liên hợp. Hình thức hoạt động chung của những Cò lúa này là trước khi các hộ nông dân thu hoạch lúa khoảng 15 ngày họ sẽ đến thương thảo về giá thu mua, ấn định ngày thu hoạch và tiến hành đặt tiền cọc trước với nông dân (thông thường tiền cọc là 300.000 đồng/công) và đa số hợp đồng đều là hợp đồng miệng. Trong trường hợp đa số các hộ trong cùng khu vực đồng ý bán cho Cò lúa thì những nông hộ khác cũng phải bán cho họ vì không bán sẽ không có máy cắt đến thu hoạch và cũng không có thương lái khác đến thu mua. Quan trọng hơn là tình trạng này diễn ra ở ngay cả những vùng mà trước đó các công ty, doanh nghiệp đã có hợp đồng bao tiêu với nông dân, nhưng chưa thống nhất giá thu mua và thu hoạch. Trong trường hợp này, do công ty thường tiến hành thỏa thuận giá rất gần ngày thu hoạch lúa (thường 5 ngày trước khi thu hoạch) nên khi “Cò” lúa đến thỏa thuận trước thì các hộ nông dân sẵn sàng hủy hợp đồng với công ty khi thấy giá cả có lợi cho nông dân. Tình trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho các công ty. Trên thực tế, số lượng công ty thu mua lúa, gạo trực tiếp từ nông dân không nhiều. Các doanh nghiệp đa phần thu mua gạo nguyên liệu từ thương lái, trong khi số thương lái đi thu mua lúa lại không đủ khả năng quán xuyến địa bàn, chưa đủ vốn để trực tiếp giao dịch độc lập với nông dân, phần lớn phải thông qua đội ngũ Cò lúa hùng hậu vốn rành rẽ đường đi nước bước tại địa phương. Vì thế, Cò lúa trở thành đầu mối trung gian cho thương lái và nông dân gặp nhau, với điều kiện nhận được tiền chênh lệch khi giao dịch mua, bán lúa thành công. Trong những năm qua hoạt động tiêu thụ lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long thường hay xuất hiện những trở ngại giữa người mua (doanh nghiệp, tiểu thương, hay Cò) và người bán lúa (nông dân); nhất là lúc thời tiết không thuận lợi, lúa chín đồng loạt, giá lúa không ổn định, xuất khẩu lúa giảm...thì hợp đồng giữa hai bên sẽ gặp trở ngại như hủy hợp đồng, hay chỉ thực hiện một phần hợp đồng. Sản xuất lúa những năm trước đây lúa làm ra nông dân chủ động tìm người để thu hoạch, tiêu thụ (bán lúa cho tiểu thương hay doanh nghiệp); Ngày nay, lúa sản xuất ra phải có người giới thiệu, môi giới hay còn gọi là Cò thì mới thu hoạch và tiêu thụ lúa được nhanh chóng, dĩ nhiên nông dân phải chịu khoản chi phí cho những người này. Như vây, “Cò” lúa có phải là nguyên nhân dẫn đến phá vỡ hợp đồng hay làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân hay không? Đó là vấn đề cần làm rõ trong nghiên cứu này.

Nghiên cứu do: Đỗ Văn Hoàng và Nguyễn Văn Nay Bộ môn Kinh tế - Xã hội Nông thôn, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ

Phương pháp đánh giá: Nghiên cứu này được sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, đặc biệt phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (participatory rural appraisal - PRA) là chủ yếu. PRA: là phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (Nguyễn Duy Cần và Nico Vromant, 2009). Các công cụ chính của PRA được sử dụng chủ yếu là thảo luận nhóm (focus group discussion), phân tích SWOT (đánh giá mặt mạnh, yếu, cơ hội và rủi ro), sơ đồ VEEN (phân tích các yếu tố tổ chức tác động lên một cộng đồng). Phỏng vấn KIP được thực hiện ở 3 cấp độ khác nhau: cấp tỉnh với các đối tượng là các ban ngành, tổ chức ở cấp tỉnh có liên quan và có thể cung cấp thông tin về các hình thức tổ chức, hoạt động sản xuất; cấp huyện với các đối tượng là các ban ngành, tổ chức ở cấp huyện có liên quan và có thể cung cấp thông tin về các hình thức tổ chức, hoạt động sản xuất; cấp xã với các đối tượng là các ban ngành, tổ chức ở cấp xã, ấp có liên quan và có thể cung cấp thông tin về các hình thức tổ chức, hoạt động sản xuất. Điều tra nông hộ: phương pháp điều tra nông hộ bằng phiếu phỏng vấn trực tiếp cá nhân được sử dụng để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa. Chọn 2 nhóm hộ để điều tra (chuyên sản xuất lúa và sản xuất lúa có tham gia hoạt động “Cò”) theo phương pháp thuận tiện và dựa vào danh sách quản lý ở địa phương, nhóm phỏng vấn cùng với cán bộ địa phương sẽ liên hệ với người dân đến tận nhà để phỏng vấn. Số mẫu phân bố ở các xã tiêu biểu đại diện cho 3 tỉnh An Giang, Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Tổng số mẫu điều tra là 165 hộ, trong đó 125 hộ nông dân vừa sản xuất vừa tham gia hoạt động “Cò” (40 hộ trên địa bàn mỗi tỉnh) và 40 hộ nông dân không tham gia hoạt động “Cò” phân bố ở 3 tỉnh. Giới hạn của nghiên cứu này chỉ phân tích hiệu quả của nông hộ trong sàn xuất lúa và nông hộ sản xuất lúa có tham gia hoạt động “Cò”.

Phương pháp xử lý số liệu Sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả và phân tích hiệu quả tài chính để cho thấy được hiệu quả sản xuất giữa nông dân sản xuất lúa và nông dân sản xuất lúa có tham gia hoạt động “Cò”.

Kết luận Tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng mang tính chất rất quan trọng trong việc điều tiết sản xuất và chủ động khâu tiêu thụ sản phẩm. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lúa trung bình đạt 5,7 tấn/ ha, năng suất này thấp hơn năng suất lúa trung bình vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiệu quả sản xuất của hai nhóm nộng hộ có sự chênh lệch khá lớn, nhóm hộ chuyên sản xuất lúa lợi nhuận trung bình 43,97 triệu đồng/năm và nhóm vừa sản xuất lúa vừa hoạt động Cò có lợi nhuận trung bình 159,13 triệu đồng/ năm. Vụ Hè Thu và Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long thời tiết bất lợi cho sản xuất lúa nên nông hộ có thể bị thua lỗ sau thu hoạch. Hiệu quả hoạt động Cò: với lợi nhuận trung bình thấp nhất 119,18 triệu đồng/ năm thì người tham gia hoạt động Cò có thu nhập cao gấp 2,71 lần nông dân sản xuất lúa thuần túy cho một ha lúa và cũng với lợi nhuận trung bình cao nhất (tỉnh An Giang) người tham gia hoạt động Cò có lợi nhuận cao gấp 3,3 lần nông dân chỉ sản xuất lúa đơn thuần một ha lúa/ năm. Tuy nhiên, bán lúa qua Cò tiếm ẩn rủi ro cao khi tiền cọc chỉ chiếm một phần nhỏ, khi giá lúa thay đổi thì người dân sẽ gặp bất lợi. Người dân được thuận lợi khi thu hoạch và tiêu thụ lúa được nhanh chóng; nhưng Cò là một tác nhân trong chuổi giá trị sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Đề xuất: Tổ chức sản xuất các giống lúa có năng suất, phẩm chất cao, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu giống lúa. Ngoài ra, để giúp người dân hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng tại địa phương cần có sự xác nhận về mặt pháp lý của lãnh đạo các địa phương. Thành lập các tổ hợp tác và các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có nguồn nhân lực có phương tiện sản xuất như máy bơm nước, nhà kho dự trữ khi giá cả chưa ổn định chờ tiêu thụ. Ngoài ra xây dựng hợp tác xã đủ mạnh có đủ trang thiết bị, chế biến gạo thành phẩm, nhãn hiệu hàng hóa chủ động xuất khẩu gạo. Huấn luyện năng lực sản xuất cho hợp tác xã, có đủ khả năng và chủ động tìm đầu ra.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 1D (2021): 227-234
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài