SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của ánh sáng đèn LED (Lightemitting Diode) đến hormone IGF-I mRNA (Insulin-like growthfactormessenger RNA) và sinh sản ở cá chép (Cyprinus carpio)

[01/10/2021 14:38]

Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của ánh sáng đèn LED (Lightemitting Diode) đến hormone IGF-I mRNA (Insulin-like growthfactormessenger RNA) và sinh sản ở cá chép (Cyprinus carpio)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Đang- Viện Nghiện cứu Nuôi trồng Thủy sản II; Katsuhisa Uchida- Trường đại học Miyazaki, Nhật Bản thực hiện.

Cá chép (Cyprinus carpio) sống trong môi trường nước ngọt, là loài nội địa và có từ lâu đời. Cá thường thích sống theo bầy đàn tập trung những nơi nước cạn như sông, suối và nơi nhiều rau cỏ rậm rạp. Cá có thể chịu đựng trong điều kiện hàm lượng oxy thấp, nhiệt độ thích hợp cho cá tăng trưởng tốt từ 23-300 C và khoảng pH tối ưu của cá từ 7,5-8,0 (Heydarnejad, 2012). Sản lượng cá chép trên thế giới chủ yếu từ nuôi trồng chiếm (97,3%) đạt 3,4% (4,4 triệu tấn năm 2016) (Karnai và Naukowe, 2018). Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng nuôi cá chép, trong đó Việt Nam cũng là một trong 10 nước có sản lượng cao nuôi cá chép đạt khoảng 400.000 tấn năm 2015 (Weimin, 2017). Cá chép là loài cá nước ngọt tương đối quan trọng và nuôi phổ biến ở Việt Nam vì lý do nuôi cá chép không cần đầu tư nhiều vốn, dễ nuôi trong quy mô nhỏ, đặc biệt những nơi phong phú các loại phụ phẩm về nông nghiệp như vùng núi cao. Hơn nữa, thịt cá chép thơm ngon cung cấp nguồn đạm cao cho con người

Hiện nay công cụ Light Emitting Diode (LED) đang được ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản và đã chứng minh mang lại hiệu quả cao trong tăng năng suất vật nuôi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát ảnh hưởng của đèn LED với các bước sóng là trắng, xanh da trời, xanh lá và đỏ đến nồng độ hormone IGF-I mRNA (Insulin-like Growth Factor messenger RNA) và sinh sản của cá chép. Cá chép có khối lượng trung bình 92 ± 4,3 g được nuôi trong bể kính trong phòng thí nghiệm, bể được che tối kín bằng hộp giấy màu đen có nắp đậy. Cá được nuôi với mật độ 8 con/bể trong thời gian 10 tuần, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp 34% đạm, khẩu phần ăn là 2%/trọng lượng thân, cho ăn 2 lần/ ngày vào lúc 9:00 và 17:00. Cá chép được nuôi dưới ánh sáng đèn LED ở các bước sóng 446 nm (trắng), 468 nm (xanh da trời), 537 nm (xanh lá) và 630 nm (đỏ) với mật độ chiếu sáng là 5,0 µm/s/m2 .Khoảng cách ánh sáng đến bề mặt nước là 50 cm. Thời gian chiếu sáng là 12 giờ/ngày (07 giờ mở đèn và 19 giờ tắt đèn). Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ IGF-I mRNA (insulin-like growth factor messenger RNA) cao hơn ở ánh sáng màu xanh da trời và trắng so với màu đỏ. Chỉ số tuyến sinh dục (GSI) của cá chép cái nuôi dưới ánh sáng màu xanh da trời tăng cao có ý nghĩa so với ánh sáng trắng, xanh lá và đỏ. Hình ảnh mô học cũng chỉ ra tỷ lệ phát triển noãn bào ở tế bào trứng cao nhất dưới ánh sáng màu xanh da trời và có tỷ lệ thấp dưới ánh sáng trắng, xanh lá và đỏ. Cá chép cái phơi dưới ánh sáng màu xanh da trời có nồng độ estradiol -17β trong máu cao hơn có ý nghĩa khi so sánh với các ánh sáng trắng, xanh lá và đỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng ánh sáng LED màu xanh da trời kích thích phát triển của tuyến sinh dục và cải thiện chất lượng trứng ở cá chép (Cyprinus carpio).

Thí nghiệm cho thấy, cá chép nuôi dưới điều kiện ánh sáng có bước sóng ngắn đèn LED màu xanh da trời, xanh lá, đỏ và trắng trong thời gian 10 tuần, thời gian chiếu sáng là 12 giờ/ngày với mật độ chiếu sáng là 5,0 µm/s/m2 . Kết quả chỉ ra nồng độ IGF-I mRNA trong gan của cá chép cao hơn dưới ánh sáng LED màu xanh da trời và màu trắng so với màu đỏ. Cá chép cái được phơi dưới ánh sáng LED màu xanh da trời có ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến sinh dục cụ thể khối lượng tuyến sinh dục của cá chép cái tăng có ý nghĩa trong thời gian nuôi (chỉ số GSI tăng cao ở nghiệm thức màu xanh da trời so với màu xanh lá, đỏ và trắng). Quan sát mẫu mô học của buồng trứng thấy rõ tỷ lệ phần trăm noãn bào của tế bào trứng phát triển cao hơn dưới ánh sáng màu xanh da trời. Nồng độ hormone estradiol-17β trong máu của cá cũng cao hơn ở nghiệm thức LED màu xanh da trời so với các màu còn lại (trắng, xanh lá và đỏ).

ntdinh

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long - Số 17/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài