SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của lượng bón phân hữu cơ và NPK đến sinh trưởng và phát triển của giống hoa lan huệ hồng đào

[20/07/2023 15:12]

Lan huệ (Hippeastrumsp.) là cây hoa có củ, sống lưu niên có xuất xứtừ vùng Trung và Nam Mỹ (từ Brazil, Peru đến Mexico và Argentina). Hiện có khoảng 70 đến 90 loài, hơn 600 giống thương mại trên thế giới dưới dạng hoa cắt, cây trồng chậu hoặc củ giống. Hầu hết củ giống Lan huệ được sản xuất tại Hà Lan, trong đó 60% xuất khẩu và 40% tiêu thụ trong nước.

Cây Lan huệ được nhập nội và trồng phổ biến ở̉ Việt Nam nhiều thập kỷ với các tên gọi phổ biến như loa kèn, huệ tứ diện, tứ hướng…  Các giống trồng nhiều gồm đỏ dại, cam dại, cẩm tú, hồng đào. Gần đây, các giống Lan huệ thương mại đa dạng về màu sắc, hình dạng và kích thước hoa đã được nhập nội và tiêu thụ với số lượng ngày càng tăng dù giá củ giống Lan huệ cao từ 70.000 - 900.000 đồng/củ, tùy giống.

Các vùng sản xuất giống và củ Lan huệ với số lượng lớn là Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp) và Xuân Quan (Hưng Yên). Tuy nhiên, sản xuất củ Lan huệ trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng. Bên cạnh nguồn giống hạn chế,  các kỹ thuật như chăm sóc, bón phân chưa được nghiên cứu dẫn đến sản  xuất  mang  tính  tự phát, chất lượng củ giống chưa đồng đều.

Cây Lan huệ Hồng đào có màu hoa hồng nhạt, thơm nhẹ, cánh cân đối là một trong số giống Lan huệ được ưa chuộng trồng ởViệt Nam với giá bán 35.000 - 100.000 đồng/củ, tùy thời điểm. Hiện nay, kỹ thuật trồng cây Lan huệ Hồng đào nói riêng và Lan huệ nói chung chủ yếu theo kinh nghiệm của người dân mỗi địa phương. Để phát triển các vùng trồng Lan huệ chuyên canh và tăng chất lượng củ góp phần nâng cao giá trị của loại hoa này thì việc xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đặc biệt là xác định lượng phân bón bao gồm phân bón lót và phân bón thúc cho Lan huệ thực sự có ý nghĩa.

1. Xác định lượng phân hữu cơ bón lót đến sinh trưởng, phát triển của Lan huệ Hồng Đào

Thí nghiệm gồm 4 công thức: CT1: không bón phân hữu cơ (đối chứng); CT2: bón 2 kg phân hữu cơ/m2 (20 tấn/ha); CT3: bón 4 kg phân hữu cơ/m2 (40 tấn/ha); CT4: bón 6 kg phân hữu cơ/m2 (60 tấn/ha). Phân hữu cơ được bón lót 1 lần trước khi trồng với lượng bón theo từng công thức. Các công thức được bón thúc phân NPK Đầu Trâu 13 : 13 : 13 + TE hai đợt/năm, mỗi đợt bón 20 g/m2 bắt đầu sau trồng 3 tuần, mỗi lần cách nhau 3 tháng.

2. Xác định lượng phân bón Đầu trâu NPK (13:13:13+TE) bón thúc đến sinh trưởng, phát triển của Lan huệ Hồng Đào

Thí nghiệm gồm 3 công thức: CT1: Không bón phân NPK (đối chứng); CT2: Bón phân NPK 10 g/m2/đợt (100 kg/ha/đợt); CT3: Bón phân NPK 20g/m2/đợt (200 kg/ha/đợt). Phân NPK Đầu Trâu 13 : 13 : 13 + TE) của Công ty Phân bón Bình Điền bón thúc 4 đợt/năm bắt đầu sau trồng 3 tuần. Định kỳ hai tháng bón phân 1 lần và dừng bón khi cây ngủ nghỉ từ tháng 12 đến tháng 01 năm sau. Các công thức được bón lót phân hữu cơ với lượng 2 kg/m2. Các thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn, 3 lần nhắc lại. Mỗi lần trồng 30 cây, theo dõi 10 cây/lần. Khoảng cách trồng 25 cm × 25 cm, mật độ 5 cây/m2.

3. Các chỉ tiêu theo dõi, thu thập và xử lý số liệu

Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm sự sinh trưởng và ra hoa của Lan huệ Hồng đào (Tổng số lá trên cây, chiều cao cây (cm), kích thước lá, kích thước củ (cm), khối lượng củ (g). Các chỉ tiêu về ngồng hoa, màu sắc hoa, kích thước hoa (cm), thời gian xuất hiện nụ và hoa, độ bền hoa.

Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm thống kê SAS 9.3. Kiểm tra sự sai khác giữa các giá trị trung bình bằng phép ước lượng và sử dụng tiêu chuẩn LSD (Least Significant Different) ở độ tin cậy 95%. Kiểm tra độ biến động của thí nghiệm được biểu hiện qua chỉ số CV (%).

4. Kết quả

Kết quả cho thấy bón lót 4kg phân hữu cơ/m2 (40 tấn/ha) có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cây Lan huệ Hồng đào (cây cao 88,8 cm, chu vi củ 30,1 cm và khối lượng củ 491,1 g, đường kính hoa 19,8 cm và độ bền trang trí 15,3 ngày). Bón thúc phân Đầu Trâu NPK 13:13:13 + TE với lượng 20 g/m2/đợt bón, bón 4 đợt/năm (tương đương 800 kg/ha/năm) làm tăng chất lượng cây và hoa (cây cao 89,9 cm, chu vi củ 25,6 cm, khối lượng củ 380,9 g, đường kính hoa 19,3 cm và độ bền cụm hoa 15,6 ngày).

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài