SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dịch vụ du lịch của Thành phố Chí Linh

[26/07/2023 09:21]

Chí Linh là một thành phố trẻ với nhiều tiềm năng cho quá trình phát triển dịch vụ du lịch khi thành phố có 1 khu di tích lịch sử cấp Quốc gia loại đặc biệt gồm 2 di tích, 8 di tích lịch sử cấp Quốc gia, khu di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt với nhiều lễ hội như lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc (tháng Giêng Âm lịch), lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (tháng Tám Âm lịch) lễ hội Đền Cao (tháng Giêng Âm lịch), lễ hội Đền Sinh - Đền Hóa (tháng Năm Âm lịch). Tuy nhiên, trong những năm qua quá trình phát triển ngành dịch vụ du lịch của Chí Linh phát triển chưa xứng tầm so với tiềm năng của mình. Trong bài này tác giả dựa trên cơ sở đánh giá những điều kiện cũng như những thực trạng các hoạt động và hạn chế của du lịch Thành phố Chí Linh trong những năm qua, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ du lịch Thành phố Chí Linh những năm tới trên cơ sở xuất phát từ định hướng chiến lược phát triển dịch vụ du lịch trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành phố trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2020 - 2025 được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII của Thành ủy Chí Linh đã đề ra.

Dịch vụ du lịch rất phong phú và đa dạng, nó tùy thuộc đặc điểm và cách phân loại của mỗi quốc gia. Theo Luật Du lịch Việt Nam 2017 và nhiều nhà khoa học thì dịch vụ du lịch bao gồm: Dịch vụ ăn uốngDịch vụ mua sắm; Dịch vụ thể thao; Dịch vụ vui chơi, giải trí; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.

Thành phố Chí Linh nằm ở phía Bắc của tỉnh Hải Dương, là trung tâm giao thương giữa các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh. Thành phố Chí Linh là địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch, phát triển công nghiệp, nông nghiệp,... Do đó, những năm qua Thành phố Chí Linh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư liên quan đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến; dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, trải nghiệm, khám phá. Trong điều kiện chuyển đổi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành du lịch Thành phố Chí Linh đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Ngành dịch vụ du lịch còn non trẻ, nên tính chuyên nghiệp trong nghiệp vụ còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ lưu trú vừa thiếu vừa yếu và đang xuống cấp. Hoạt động lữ hành chủ yếu là trạm trung chuyển, tính liên kết du lịch vùng yếu,... Do vậy, có thể nói trong thời gian qua, ngành du lịch thành phố Chí Linh đã phải đương đầu với rất nhiều thử thách và sẽ còn phải nỗ lực rất lớn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế so sánh của mình để đưa ngành dịch vụ du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Trong những năm tới để du lịch ở Thành phố Chí Linh phát triển tương xứng với tiềm năng, thành phố cần phải làm rõ những những lợi thế và những tác động tới sự phát triển của ngành để từ đó đưa du lịch Chí Linh phát triển đúng với lợi thế của mình. Hướng tới đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành “công nghiệp không khói” trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế của Thành phố Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Những thành công của ngành dịch vụ du lịch thành phố Chí Linh

Dịch bệnh Covid - 19 và giãn cách xã hội đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành du lịch, nhưng trong thời gian qua, ngành du lịch Thành phố Chí Linh đã đạt được nhiều kết quả:

Thứ nhất: Doanh thu ngành thương mại, du lịch và du lịch không ngừng tăng qua các năm:

Báo cáo tình hình phát triển ngành du lịch giai đoạn 2015-2020 Đại hội Đảng bộ Thành phố đã nêu rõ: “Giá trị ngành thương mại du lịch và du lịch tăng bình quân 9,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 3.874 tỷ đồng, tăng bình quân 15,4%/năm. Hạ tầng thương mại - dịch vụ có bước phát triển mới”.

Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch giai đoạn trước khi sảy ra dịch bệnh Covid - 19 luôn tăng hằng năm, bình quân là 8,5%/năm, đến năm 2019, toàn ngành đón được trên 1,6 triệu lượt khách. Xu hướng khách đến và đặc biệt là du lịch nội địa tăng nhanh qua các năm thể hiện sức hút của thành phố nổi lên như một điểm sáng về thu hút khách đến Chí Linh tham quan.

Thứ hai: Du lịch góp phần tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển:

Ngành du lịch và du lịch có đặc điểm là một ngành kinh tế mang tính đa ngành nên doanh thu ngành du lịch tăng trong những năm qua tất yếu dẫn đến thu nhập xã hội cũng tăng theo tương ứng. Mức đóng góp vào sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn của ngành dịch vụ, du lịch đạt mức 20%.

Thứ ba: Du lịch thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt đô thị nhanh chóng.

Dịch vụ du lịch không chỉ có những đóng góp tích cực cho việc làm tăng giá trị GDP trên địa bàn thành phố mà thông qua đó, nó còn góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá thông qua thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống mới trong từng khu dân cư... và đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đó là kết quả của một quá trình vận động và nghiên cứu để tìm ra bước đi cho phát triển kinh tế thành phố một cách bền vững, căn cứ từ lợi thế so sánh của thành phố Chí Linh.

Thứ tư: Dịch vụ du lịch phát triển đã đóng góp vai trò tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trong những năm qua, lực lượng lao động được thu hút vào ngành dịch vụ du lịch là rất lớn nhờ khả năng đa dạng hoá các loại hình lao động phục vụ của ngành và do đặc thù là một ngành cần rất nhiều lao động, cả trực tiếp và gián tiếp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một đơn vị hành chính còn có rất nhiều sức ép về lao động và việc làm như thành phố Chí Linh.

Những hạn chế và những vấn đề đặt ra của ngành dịch vụ du lịch thành phố Chí Linh

Thứ nhất: Về thực hiện mục tiêu và tốc độ tăng trưởng.

Trong xu thế khách du lịch đến với thành phố Chí Linh ngày càng tăng bởi sự thu hút của thị trường du lịch tâm linh gắn điểm du lịch Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh) và Suối Mỡ (Bắc Giang) đang phát triển trong những năm gần đây.Một số chỉ tiêu kế hoạch đề ra chưa thực hiện được, như tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm phải đạt từ 12-15%/năm, nhưng chỉ đạt được 8,5%. Hoặc chỉ tiêu đón khách đến năm 2020 là 1,7 -2 triệu lượt khách nhưng mới chỉ đón được 1,6 triệu lượt khách

Thứ hai: Chất lượng sản phẩm dịch vụ chủ yếu còn ở mức thấp

  • Về chất lượng các cơ sở lưu trú: thực tế tại Chí Linh hiện nay có 201 cơ sở kinh doanh lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ, homsay, điểm dừng chân,... Trong đó chỉ có 10 khách sạn được đánh giá xếp hạng 2, 3 sao phục vụ hoạt động lưu trú, có cơ sở vật chất phục vụ lưu trú có chất lượng, còn lại đều trong tình trạng xuống cấp như khu nhà khách Côn Sơn, khách sạn Phương Nam,... Các hệ thống nhà nghỉ, điểm dừng chân còn ít và chất lượng phục vụ chưa cao
  • Về dịch vụ vận chuyển phục vụ khách: Dịch vụ vận chuyển khách thể hiện trước hết là ở số các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch ở Chí Linh hiện nay có đăng ký kinh doanh và có phù hiệu riêng gần như không có, đa số là các xe của thành phần kinh tế tập thể, tư nhân và hỗn hợp khác là 30 cơ sở kinh doanh vận tải du lịch, với các xe tủ 4 đến 50 chỗ. Đồng thời, các phương tiện vận chuyển đưa đón khách đều thiếu và xuống cấp, đặc biệt là các loại xe chở khách chất lượng cao. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong vài năm trở lại đây, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong hoạt động tuyên truyền chào bán các tour du lịch nhưng hầu như du khách tuyến vẫn còn hạn chế
  • Về dịch vụ ăn uống và mua sắm: Một điều rất dễ làm cho du khách nhận ra là khâu dịch vụ này ở Chí Linh trong những năm qua được đầu tư và phát triển nhanh chóng và có hiệu quả. Theo thống kê của ngành thương mại, du lịch, dịch vụ số hộ tham gia hoạt động kinh doanh tăng vọt trong giai đoạn 2010 đến 2019, theo thống kê của thành phố hiện các cơ sở này có 87 cơ sở phục vụ với quy mô từ 30 mâm trở lên, trong đó có 15 cơ sở có quy mô 100 mâm trở lên. Nhờ đó doanh thu từ khu vực này 2019 đạt 4.011 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cơ sở có sức chứa từ 100 đến 500 chỗ ngồi, đầy đủ tiện nghi, đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm phục vụ khách như vậy còn ít và chủ yêu tập trung ở phường Sao Đỏ. Các khu vui chơi, mua sắm còn hạn chế như khu thể thao có 6 sân cỏ nhân tạo do cá nhân tự làm, 01 sân golf, các trung tâm thể thao còn nhỏ thiết bị thiếu và cũ. Trong khi các khu mua sắm chủ yếu tập trung tại các siêu thị trung tâm với sản phẩm chủ yếu là hàng gia dung, các mặt hàng lưu niệm rất hạn chế [6]. Điều này cho thấy dịch vụ ăn uống, vui chơi và mua sắm ở thành phố Chí Linh còn thiếu và chưa gắn nhiều với các hoạt động dịch vụ du lịch
  • Thứ ba: Công tác xúc tiến du lịch

Trong thời gian qua, Chí Linh chưa tranh thủ huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn ngành và các ngành các cấp trong toàn thành phố cho phát triển dịch vụ du lịch. Về chiến lược xúc tiến quảng bá tiếp thị hình ảnh dịch vụ du lịch Chí Linh cũng chưa được sự quan tâm xây dựng đúng với tiềm năng, nên tuy là nơi có nhiều di tích văn hoá nhưng hầu như du khách ít dành sự quan tâm cho sử dụng dịch vụ du lịch của Chí Linh

  • Thứ tư: Về chiến lược đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch

Thực trạng các doanh nghiệp lữ hành, đại lý lữ hành, văn phòng đại diện trên địa bàn thành phố còn ít đa số là các văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh ngoài thành phố. Trong khi việc xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch ra vào thành phố còn rất hạn chế. Đội ngũ hướng dẫn viên và chất lượng chuyên môn đào tạo, điều kiện hành nghề… hướng dẫn viên tại điểm còn ít, trình độ đào tạo đa số mới được đào tạo từ trung cấp, cao đẳng là chủ yếu. Có thể nói trong điều kiện các dịch vụ phục vụ khách du lịch chủ yếu còn nhiều bất cập, Chỉ với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của ban quản lý di tích của thành phố Chí Linh và của tỉnh Hải Dương dẫn đến chất lượng phục vụ dịch vụ du lịch là rất hạn chế.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP MANG TÍNH GỢI MỞ NHẰM PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH THÀNH PHỐ CHÍ LINH

Thứ nhất: Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững. Trên cơ sở công tác phân tích, đánh giá thực trạng, chất lượng dịch vụ du lịch một cách khách quan và khoa học, gắn với mục tiêu phát triển của thành phố, trong đó xác định đưa dịch vụ du lịch của Chí Linh trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển. Các cơ quan quản lý của Chí Linh và Hải Dương cần có giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp với các tiềm năng sẵn có và liên quan tới nó là việc đánh giá các tác động của môi trường. Trên cơ sở các dự án đã được quy hoạch, các cơ quan quản lý của Chí Linh và Hải Dương cần đầu tư và kêu gọi vốn xã hội hóa phục vụ phát triển du lịch, điều này không chỉ dừng ở tầm vĩ mô mà cần xuất phát từ việc nghiên cứu nhu cầu thị trường một cách khách quan, đề tìm ra hướng đi đúng cho quá trình phát triển dịch vụ du lịch. Trước mắt Chí Linh cần xây dựng hoàn thiện hệ thống đường xá, điểm dừng chân, lưu trú, ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe,... nhằm thu hút khách đến tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí,... Có như vậy dịch vụ du lịch Chí Linh mới phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có trong giai đoạn tới.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, quảng bá dịch vụ du lịch của Chí Linh. Trong xu thế hội nhập hiện nay việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xúc tiến quảng bá dịch vụ du lịch Chí Linh là vấn đề cần thiết và cấp bách. Trước hết, các cơ quan quản lý của Chí Linh và Hải Dương cần có giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đẩy mạnh quảng bá nhằm phát triển thị trường dịch vụ du lịch Chí Linh theo kịp với thị trường dịch vụ du lịch quốc tế và trong nước như:

Thứ ba: Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch, cải thiện môi trường tự nhiên xã hội, bảo đảm phát triển dịch vụ du lịch nhanh và bền vững.

Thứ tư: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong dịch vụ du lịch.

Thứ năm: Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ du lịch.

Cùng với xu thế phát triển năng động của nền kinh tế, việc du khách đến với Chí Linh ngày càng tăng đã khẳng định sức thu hút mạnh mẽ và đầy thuyết phục của thị trường dịch vụ nhiều tiềm năng này. Việc xác định một cách khách quan, khoa học về lợi thế so sánh và tiềm năng của du lịch Chí Linh cùng những khó khăn thách thức sau thời điểm hội nhập WTO và tình hình dịch bệnh Covid-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này giúp cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển du lịch phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: phát triển đồng bộ và bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế gắn với chính trị, xã hội và môi trường, phát triển có trọng tâm trọng điểm theo kế hoạch và định hướng vào việc tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm tốt công tác đó, phải dựa trên cơ sở đánh giá hết sức khách quan về thực trạng hoạt động và những hạn chế trong quá trình phát triển dịch vụ du lịch của thành phố Chí Linh. Để từ đó, xuất phát từ định hướng chiến lược phát triển du lịch Chí Linh cần tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch, mà trước hết phải bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố, tiếp đó là phải đổi mới thực sự hệ thống cơ chế chính sách mang tính ưu việt và đồng bộ cho đầu tư phát triển, cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và nhiều công tác khác, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch phát triển.

tapchikhcn.saodo.edu.vn - số 4(79) năm 2022
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài