SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích thực trạng sử dụng vancomycin ở bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn

[18/08/2023 09:20]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Anh (b) Nguyễn Thị Mai Anh,Vũ Đình Hòa, Nguyễn Mai Hoa,Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đào Quang Minh, Nguyễn Hoàng Anh thực hiện.

Hình ảnh minh họa

Trong những năm trở lại đây, đề kháng kháng sinh ở vi khuẩn Gram (+) trở thành thách thức không nhỏ trong thực hành lâm sàng. Theo báo cáo toàn cầu về tình hình đề kháng kháng sinh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014, bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng kháng methicilin (MRSA) có nguy cơ tử vong cao hơn 64 % so với những bệnh nhân không nhiễm vi khuẩn này. Tại các đơn vị hồi sức, tỷ lệ MRSA được ghi nhận lên đến 16 % và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ tử vong lên tới 50 %. Sau hơn 60 năm được đưa vào sử dụng, vancomycin hiện vẫn là lựa chọn ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn do MRSA nhưng việc sử dụng rộng rãi kháng sinh này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng các chủng vi khuẩn đề kháng và giảm nhạy cảm. Từ năm 1995, Ủy ban tư vấn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (HICPAC) trực thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn sử dụng vancomycin nhằm ngăn ngừa đề kháng kháng sinh này. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu đánh giá sự tuân thủ hướng dẫn của CDC tại các cơ sở y tế cho thấy có đến 60 % tỷ lệ chỉ định vancomycin theo kinh nghiệm là không phù hợp. Tại Việt Nam, Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hà Nội với mô hình các bệnh nhiễm khuẩn tương đối phức tạp, đặc biệt là tại Khoa Hồi sức tích cực (HSTC), bệnh viện cũng đã đưa vancomycin vào danh mục các kháng sinh cần phải hội chẩn duyệt thuốc trước khi sử dụng nhằm hạn chế gia tăng đề kháng của vi khuẩn gây bệnh với kháng sinh quan trọng này. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích một số đặc điểm sử dụng vancomycin tại Khoa HSTC và sự phù hợp với các khuyến cáo hiện tại, từ đó đề xuất một số biện pháp giúp tăng cường sử dụng vancomycin hợp lý trong chương trình quản lý kháng sinh của Bệnh viện Thanh Nhàn.

Đối tượng nghiên cứu

Bệnh án của bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa HSTC, Bệnh viện Thanh Nhàn có chỉ định dùng vancomycin từ 01/07/2017 đến 30/12/2018.

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu hồi cứu mô tả, phân tích tính phù hợp trong sử dụng vancomycin thông qua bộ tiêu chí được xây dựng sẵn. Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên tham khảo thông tin từ Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015.

Đặc điểm sử dụng vancomycin được phân tích trong nghiên cứu bao gồm:

Chỉ định; Cách dùng; Liều dùng; Giám sát chức năng thận.

Xử lý số liệu:Số liệu được quản lý và phân tích thống kê bằng phần mềm Microsoft Excel 2010 và SPSS 22.0.

Kết luận

Nghiên cứu đã thực hiện đánh giá sử dụng một số đặc điểm và tính phù hợp trong sử dụng vancomycin trên 138 bệnh nhân được chỉ định thuốc trong giai đoạn 07/2017 - 12/2018 tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Thanh Nhàn. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định vancomycin phù hợp chưa cao, chế độ liều nạp chưa được sử dụng nhiều và liều duy trì có sự biến thiên lớn, tỷ lệ tuân thủ về nồng độ và tốc độ tiêm truyền khá thấp.

Thực trạng sử dụng vancomycin tại đơn vị cho thấy Bệnh viện Thanh Nhàn cần xây dựng hướng dẫn sử dụng vancomycin nhằm thống nhất chỉ định, liều dùng vancomycin tại bệnh viện, đồng thời xây dựng và triển khai triển khai quy trình hiệu chỉnh liều vancomycin thông qua giám sát nồng độ thuốc trong máu để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.

Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 4(2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài