SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tiêu chuẩn ISO 31000 giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro hiệu quả

[09/10/2023 08:05]

Tiêu chuẩn ISO 31000 về quản lý rủi ro do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành với mục đích giúp doanh nghiệp, tổ chức về những nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể trong quá trình quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.

Tiêu chuẩn ISO 31000 giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro hiệu quả. Ảnh minh họa.

Hiện nay, mọi hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp đều tiềm ẩn xảy ra rủi ro khiến mục tiêu đề ra khó chắc chắn. Bởi vậy, doanh nghiệp phải quản lý rủi ro bằng cách xác định, phân tích và đánh giá xem liệu có cần thực hiện các biện pháp xử lý để loại trừ hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp hay không.

Theo đó, tiêu chuẩn ISO 31000 về quản lý rủi ro do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành với mục đích giúp các doanh nghiệp, tổ chức về những nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể trong quá trình quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.

ISO 31000 khuyến nghị tổ chức xây dựng, áp dụng và cải tiến liên tục khuôn khổ với mục đích là tích hợp quá trình quản lý rủi ro với toàn bộ hoạt động quản trị, chiến lược và hoạch định, quản lý, các quá trình báo cáo, chính sách, giá trị và văn hóa của tổ chức. Quản lý rủi ro có thể được áp dụng cho toàn bộ tổ chức, ở nhiều lĩnh vực và cấp độ, tại mọi thời điểm, cũng như cho các chức năng, dự án và hoạt động cụ thể.

Khi thực hiện và duy trì theo ISO 31000, quản lý rủi ro cho phép một tổ chức, doanh nghiệp có thể: Tăng khả năng đạt được các mục tiêu; Khuyến khích quản lý chủ động; Nhận thức được nhu cầu xác định và xử lý rủi ro trong toàn tổ chức; Cải thiện việc xác định các cơ hội và mối đe dọa; Tuân thủ yêu cầu luật định, chế định và các chuẩn mực quốc tế liên quan;

Cải tiến việc lập báo cáo tự nguyện và bắt buộc; Cải tiến việc quản trị; Nâng cao lòng tin và sự tin tưởng của các bên liên quan; Thiết lập cơ sở tin cậy cho việc ra quyết định và lập kế hoạch; Cải tiến việc kiểm soát; Phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xử lý rủi ro; Cải tiến hiệu lực và hiệu quả hoạt động;

Nâng cao hoạt động đảm bảo an toàn và sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường; Cải tiến việc ngăn ngừa tổn thất và quản lý sự cố; Giảm thiểu thiệt hại; Nâng cao việc học hỏi trong tổ chức và nâng cao tính kiên cường của tổ chức.

Mặc dù ISO 31000 đưa ra hướng dẫn chung nhưng không nhằm tạo nên sự đồng nhất trong quản lý rủi ro ở tất cả tổ chức. Việc thiết kế và thực hiện các khuôn khổ và kế hoạch quản lý rủi ro cần phải tính đến các nhu cầu khác nhau của một tổ chức cụ thể, mục tiêu cụ thể, bối cảnh, cơ cấu, hoạt động, quá trình, chức năng, các dự án, sản phẩm, dịch vụ hoặc tài sản và các công việc cụ thể được triển khai.

https://vietq.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài