SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần có quy định hoàn chỉnh tại Luật KH&CN về đổi mới sáng tạo

[20/10/2023 08:48]

Cần có quy định hoàn chỉnh tại Luật KH&CN về đổi mới sáng tạo (từ các khái niệm liên quan, nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng như chính sách của nhà nước ta được thể chế từ quan điểm, nhiệm vụ của Đảng về đổi mới sáng tạo).

Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ đã thể chế hoá những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.

Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển các tổ chức KH&CN, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và phát triển nhân lực khoa học… đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ cần được thể chế hóa; đồng thời qua thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật KH&CN còn một số tồn tại, vướng mắc cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Việc tổng kết thi hành Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành là hoạt động cần thiết và quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật, đồng thời chỉ ra các bất cập, hạn chế để đưa ra đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định.

Trong đó, đối với hoạt động đổi mới sáng tạo, năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đạt vị trí thứ hai (như năm ngoái). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36) và Thái Lan (43). Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

Ảnh minh hoạ

Luật KH&CN mới chỉ quy định khái niệm “Đổi mới sáng tạo” tại khoản 16 Điều 3 và tại khoản 3, khoản 4 Điều 47 quy định về khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tại Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, tại Mục III. 1 (Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội), Đảng ta đã xác định “nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.”;

Tại Mục III.2 (Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia) đã đặt ra nhiệm vụ: Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo...; Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.”. Tại Mục III.4. (Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia) đã yêu cầu: “Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Mục V. 2 (Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030) đã nêu “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số.”; Mục VI (Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) đã nêu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số”.

Luật KH&CN năm 2013 đã đưa ra những khái niệm, chính sách ban đầu về đổi mới sáng tạo trong khoa học và công nghệ và thực tiễn hiện nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành nhu cầu tất yếu của sự phát triển của mọi nền kinh tế. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách về đổi mới sáng tạo trong pháp luật về khoa học và công nghệ đã trở thành cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tình hình mới, xu thế mới của thời đại cũng là thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã nêu tại các Nghị quyết nêu trên. Do đó, cần có quy định hoàn chỉnh tại Luật KH&CN về đổi mới sáng tạo (từ các khái niệm liên quan, nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng như chính sách của nhà nước ta được thể chế từ quan điểm, nhiệm vụ của Đảng về đổi mới sáng tạo).

https://vietq.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài