SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng Thông tư ban hành quy chuẩn về thu gom, xử lý các chất được kiểm soát

[25/10/2023 08:46]

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát.

Dự thảo ban hành Quy chuẩn quốc gia về thu gom, xử lý các chất được kiểm soát

Theo đó, Dự thảo đưa ra quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, đánh giá chất lượng chất được kiểm soát; tái sử dụng, tái chế, xử lý chất được kiểm soát (trình tự, nhận dạng, đánh giá chất lượng) và trách nhiệm của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động nêu trên.

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, xử lý các chất được kiểm soát; nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các thiết bị, hệ thống lạnh và điều hòa không khí có chứa chất được kiểm soát.

Hiện nay, nhu cầu của ngành lạnh và điều hòa không khí đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển do những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, năng lượng và môi trường.

Theo ước tính của Hội Lạnh quốc tế (IIR), lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng điện năng thương phẩm trên toàn thế giới và môi chất lạnh phát thải trực tiếp khoảng 37% tác động đến quá trình nóng lên toàn cầu. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon.

Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát là cần thiết. Ảnh minh họa

Theo Điều 5 Bản sửa đổi bổ sung Kigali, Việt Nam là quốc gia thuộc “Nhóm 1” phải cắt giảm 80% lượng môi chất lạnh thuộc nhóm HFC vào năm 2045. Thực hiện quy định nêu trên, ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal (gọi tắt là các chất được kiểm soát) theo quan điểm quản lý vòng đời trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí.

Tại khoản 6 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát”. Do đó, việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là rất cần thiết nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Đồng thời việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia góp phần đảm bảo kiểm soát chất lượng của các chất được kiểm soát qua tái chế hoặc tái sử dụng sau khi thu gom từ thiết bị. Góp phần giảm phát thải trực tiếp từ các chất được kiểm soát trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam.

Liên quan tới việc quản lý các chất được kiểm soát, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, thực hiện các quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, năm 2022 và 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp thực thi các quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát trên cơ sở hạn ngạch nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon được phân bổ cho các tổ chức đủ điều kiện theo quy định.

Từ năm 2024, việc kiểm soát xuất nhập khẩu sẽ được áp dụng thêm đối với các chấtlàm suy giảm tầng ozonnhằm đảm bảo việc thực thi theo lộ trình đã cam kết với quốc tế. Để thực hiện hiệu quả hoạt động này, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt là vai trò của cơ quan hải quan ở Trung ương và các Cục hải quan tại các cửa khẩu trong việc kiểm soát, ngăn chặn tại cửa khẩu đối với các hóa chất, mặt hàng bị quản lý.

Các chất được kiểm soát được xử lý như thế nào?

Theo Điều 28 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát như sau: Tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 24 Nghị định này thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát theo nguyên tắc bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

Khuyến khích thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát sau khi thu gom; Trường hợp không thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, tổ chức phải xử lý để tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại; Thực hiện báo cáo việc sử dụng các chất được kiểm soát hằng năm theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định này.

Thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát được thực hiện như sau: Các chất được kiểm soát phát sinh trong quá trình lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng từ các sản phẩm, thiết bị riêng lẻ được thu gom, vận chuyển, lưu giữ theo quy định của Nghị định này; Đối với trường hợp các chất được kiểm soát sau khi được thu gom có thể tái chế, tái sử dụng thì thực hiện tái chế, tái sử dụng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đối với trường hợp không thể tái chế, tái sử dụng thì việc vận chuyển, lưu giữ, tiêu hủy thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ các chất được kiểm soát phải đáp ứng yêu cầu: Có các thiết bị tối thiểu cho hoạt động thu gom các chất được kiểm soát bao gồm máy thu hồi, bình chứa thu hồi, bơm chân không, cân định lượng, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất và các dụng cụ an toàn; Có kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu tại khoản 4 Điều này; Có quy trình thu gom, vận chuyển, lưu giữ an toàn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; hoặc được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về thu gom và xử lý các chất được kiểm soát theo chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Cá nhân sở hữu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát khi không còn sử dụng có trách nhiệm vận chuyển đến điểm thu gom được thiết lập theo quy định mà không làm thay đổi hình dạng thiết bị, sản phẩm hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát trước ngày 31 tháng 10 năm 2023.

https://vietq.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài