SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển

[27/10/2023 16:22]

Thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm đầu mối khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản quan trọng, định hướng cho sự phát triển của ngành KH&CN thành phố phục vụ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020.

Qua 20 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành khoa học và công nghệ thành phố đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có sự phát triển đồng bộ; Hoạt động KH&CN của thành phố đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của thành phố. KH&CN từng bước đã khẳng định được vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

1. Phát triển tiềm lực KH&CN tạo động lực phát triển

Cơ sở vật chất – kỹ thuật của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập đã được thành phố quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2012-2020 Lãnh đạo thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Thông tin Khoa học và công nghệ và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Với cơ sở vật chất – kỹ thuật được đầu tư, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc đã hỗ trợ và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Lãnh đạo thành phố đầu tư phát triển 08 dự án, trong đó có 05 dự án đã được HĐND và UBND thành phố phê chủ trương đầu tư.

Nhân lực khoa học và công nghệ với đội ngũ trí thức, nhà khoa học có trình độ cao ngày càng tăng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL. Theo kết quả thống kê khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ năm 2022, hiện có 68 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ với số lượng nhân lực hoạt động khoa học và công nghệ là 6.768 người. Số lượng cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển khoảng 14 người trên một vạn dân.

2. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ thông qua 3 Chương trình, dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, cụ thể:

Đoàn công tác của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội có buổi làm việc tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

a. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị

Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo và ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị (giai đoạn 2013-2017 và giai đoạn 2018-2020) đã hỗ trợ cho 35 doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ và thiết bị với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN là 10,3 tỷ đồng. Thông qua Chương trình hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp đã có những chuyển biến mạnh mẽ với tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp thành phố Cần Thơ đến năm 2022 đạt 13,31%.  Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là: 32,5% xấp xỉ mặt bằng chung cả nước.

b. Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa được triển khai thực hiện từ năm 2013 là bước ngoặc quan trọng khuyến khích doanh nghiệp của thành phố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của thị trường. Dự án đã hỗ trợ cho 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.

c. Chương trình Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ

Chương trình Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ, được triển khai từ những năm 2008 và từng bước được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện. Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2004 toàn thành phố chỉ có 492 văn bằng được bảo hộ, đến tháng 8-2023, thành phố có 5.089 văn bằng SHTT, số văn bằng cấp mới tăng hơn 37% so với giai đoạn 2016 – 2019. Thành phố hiện có 02 nhãn hiệu chứng nhận và 35 nhãn hiệu tập thể như nhãn hiệu chứng nhận Gạo Cần Thơ, Chợ nổi Cái Răng, nhãn hiệu tập thể Sữa bò Long Hòa, Cam xoàn Thới An – Ô Môn,…

3. Hình thành và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HST KNĐMST) thành phố Cần Thơ

Triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2017 của UBND thành phố về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố ngày 30 tháng 6 năm 2021 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025, ngành Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, viện, trường, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển và đã đạt được một số kết quả nổi bật, như sau:

Đã hình thành 03 Mạng lưới Mạng lưới liên kết HST KNĐMST thành phố Cần Thơ. Thúc đẩy sự hình thành và kết nối được với hơn 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ, 02 Quỹ đầu tư khởi nghiệp tại TP. Cần Thơ và liên kết với nhiều Quỹ  đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước,…

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan các gian hàng tại Techfest Cần Thơ 2022

Tổ chức thành công 08 sự kiện về KNĐMST cấp địa phương và vùng để kết nối các nguồn lực như: Techfest Mekong 2019, 2022, Techfest Cần Thơ 2021  với hơn 700 sản phẩm, dự án KNĐMST của hơn 350 đơn vị tham gia; sự kiện Diễn đàn Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL – Lần 1, Lần 2, Lần 3 đã thu hút hơn 5.000 lượt đại biểu tham gia và trở thành sự kiện thường niên quan trọng trong hoạt động kết nối, phát triển HST KNĐMST TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL do Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ chủ trì.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện, Trường, Sở, ngành xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL kết nối với trong và quốc tế.

4. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động gắn kết các Viện, Trường và doanh nghiệp phát triển, chuyển giao các công nghệ tiên tiến và kết nối với thị trường KH&CN. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp giới thiệu, chia sẻ rộng rãi 11.700 sản phẩm, thông tin về thiết bị, công nghệ thông qua hệ thống Mạng thông tin Khoa học và Công nghệ, hệ thống Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ với hơn 240 gian hàng và thu hút hơn 13 triệu lượt khách truy cập. Đồng thời, ngành tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Dự án Sàn giao dịch công nghệ vùng Đồng Bằng sông Cửu Long nhằm thực hiện vai trò kết nối khoa học-công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các trung tâm trong nước và quốc tế và định hướng sẽ trở thành trung tâm giao dịch công nghệ cấp vùng.

5. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có sự chuyển dịch cơ cấu từ lĩnh vực nông nghiệp, môi trường sang các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa,… đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH sản xuất. Giai đoạn 2004-2023, toàn thành phố đã triển khai hơn 16.380 nhiệm vụ KH&CN các cấp và nghiệm thu hơn 7.800 nhiệm vụ KH&CN. Riêng Sở KH&CN đã triển khai 421 nhiệm vụ KH&CN các cấp và nghiệm thu 382 nhiệm vụ KH&CN, đồng thời đã tổ chức hội đồng thẩm định, lấy ý kiến chuyên gia về đánh giá, thẩm định công nghệ cho 145 dự án thuộc các lĩnh vực môi trường; công nghệ thông tin; điện tử và nông nghiệp công nghệ cao,.... Kết quả các nhiệm vụ ngày càng đi vào giải quyết những vấn đề trọng điểm phục vụ cho sản xuất, phát triển xã hội, đóng góp tích cực cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, định hướng phát triển thành phố.

6. Phát triển dịch vụ về KH&CN

Năng lực kỹ thuật về kiểm định đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa của thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đo lường pháp quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã được 7 bộ ngành chỉ định thực hiện thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, huấn luyện trên nhiều lĩnh vực như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và VietGAP,...Giai đoạn 2004-2023, Trung tâm đã hỗ trợ lấy mẫu, thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, chứng nhận hợp quy với hơn 665.600 mẫu, cột đo xăng dầu, phương tiện cho trên 42.000 lượt đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN đã cơ bản đáp ứng công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã phối hợp với chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao thành công 14 công nghệ, 10 quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh/ thành trong cả nước.

Hoạt động ươm tạo doanh nghiệp tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã thực hiện 11 dự án hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến thủy sản, chế biến nông sản và hỗ trợ cho hơn 20 doanh nghiệp ở ĐBSCL cải tiến phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.

Hoạt động thông tin, truyền thông KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của ngành và của thành phố trên nhiều lĩnh vực. Với hạ tầng thông tin KH&CN được đầu tư hoàn thiện cùng với việc ứng dụng rộng rãi mạng Internet, các mạng tiên tiến kết nối với khu vực và quốc tế đã hỗ trợ tích cực việc chia sẻ thông tin chuyên sâu về thành tựu KH&CN với hơn 200.000 tài liệu KH&CN toàn văn và liên kết hơn 4 triệu tài liệu điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. 

7. Hoạt động hợp tác về KH,CN & ĐMST

Hoạt động liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ giữa thành phố Cần Thơ và các địa phương trong cả nước, với các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước có sự chuyển biến tích cực, tạo nên sức mạnh tổng thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tiêu biểu như: ký kết Chương trình hợp tác hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; Ký kết Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2020-2025 về hợp tác phát triển KH, CN và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, đã phối hợp đề xuất nội dung hợp tác với Hoa Kỳ, Bỉ, Phái đoàn Liên minh Châu Âu… trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trong thời gian tới, ngành KH&CN thành phố sẽ tiếp xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố, tăng cường các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ kết nối với các hệ sinh thái khu vực và cả nước; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố và vùng ĐBSCL tạo động lực, sức bật để phát triển KH&CN TP. Cần Thơ, và trở thành khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sở KH&CN TP.Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài