SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm 2023

[19/12/2023 10:27]

Nhằm quảng bá các hoạt động, kết quả phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của TP, tiến tới hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sau khi được bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức “Triển lãm kết quả phát triển tài sản trí tuệ tại Hà Nội năm 2023”. Triển lãm diễn ra từ ngày 12-13/12/2023, tại tầng 1, Khu Liên cơ Võ Chí Công, số 258 Võ Chí Công, Tây Hồ, TP Hà Nội.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại triển lãm.

Hà Nội tiên phong trong công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Tính đến quý II của năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP là 4.335 đơn (chiếm 34,3%, trên tổng số 12.670 đơn của cả nước), trong đó có 96 đơn sáng chế, 48 đơn giải pháp hữu ích, 155 đơn kiểu dáng công nghiệp, 4.036 đơn nhãn hiệu. Số lượng bằng sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội là 1.402 (chiếm 33,1% trên tổng số 4.021 bằng của cả nước), trong đó 80 bằng sáng chế, 87 bằng giải pháp hữu ích, 131 bằng kiểu dáng công nghiệp, 1.104 bằng nhãn hiệu.

Trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP. Sở KH&CN TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, rà soát và lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đã được công nhận OCOP để hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội có 73 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý; 12 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và 60 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu tập thể. Với những kết quả đã đạt được, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Hà Nội bước đầu đã mang lại những tác động tích cực, hiệu quả: tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường của sản phẩm, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất ổn định,  chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên, gia tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng; công tác phát triển và quản lý tài sản trí tuệ vẫn còn tồn tại một số hạn chế: các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tuy đã được xây dựng thương hiệu nhưng để phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; các cơ sở, hợp tác xã sản xuất đặc sản địa phương, các hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý nhãn hiệu cá nhân và tập thể vẫn chưa quan tâm, đầu tư đầy đủ trong phát triển các thương hiệu đã xây dựng, chưa ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu; việc đăng ký, khai thác, áp dụng thực tiễn cho các sáng chế của tổ chức, cá nhân trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với hoạt động nghiên cứu trên địa bàn…

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội đặt ra những mục tiêu rất cao: đến năm 2025, tối thiểu 50% doanh nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của TP và các sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ...

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, Sở KH&CN TP Hà Nội sẽ tập trung xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi giá trị; tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của TP; hỗ trợ các địa phương đăng ký xác lập quyền đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chú trọng hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh nhằm bảo vệ danh tiếng và thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ…

https://vjst.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài