SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển thương hiệu nước mắm Nam Ô hướng tới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

[21/12/2023 08:31]

Làng nghề nước mắm Nam Ô giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản của TP Đà Nẵng. Việc sản phẩm nước mắm Nam Ô được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, đây còn là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của các hệ thống thương mại, du lịch sinh thái gắn với du lịch di tích tại địa phương.

Xây dựng CDĐL cho sản phẩm nước mắm Nam Ô.

Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết, nước mắm Nam Ô đã có danh tiếng lâu đời và đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009 và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản phi vật thể quốc gia cho nghề làm nước mắm Nam Ô năm 2019. Theo thống kê của UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), làng nghề mắm Nam Ô hiện có 64 hộ gia đình là hội viên sản xuất; trong đó, có 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối lớn, có 17 cơ sở đã đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ. Sản lượng nước mắm tiêu thụ trung bình từ năm 2020 đến nay đạt 250 nghìn lít/năm; tăng hơn 4 lần so với thời kỳ năm 2015. Ngoài ra, làng Nam Ô còn có một số sản phẩm khác như: mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25-30 tấn/năm, với tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động.

Thời gian qua, UBND quận Liên Chiểu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển Làng nghề nước mắm Nam Ô. Hàng năm UBND quận đều hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ sơ cho từ 1-2 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá và xếp hạng OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ tại các địa phương. Bên cạnh đó, UBND quận Liên Chiểu đã chi ngân sách quận (150 triệu đồng) để hỗ trợ các hộ sản xuất mua chum sành, làm bảng hiệu quảng cáo, bảng chỉ dẫn Hội làng nghề; đề xuất thành phố hỗ trợ máy móc thiết bị cho các hội viên từ nguồn khuyến công địa phương với tổng kinh phí 286 triệu. Thương hiệu Nước mắm Nam Ô đã được đăng ký Logo, nhãn mác tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ, được UBND TP Đà Nẵng công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2016. Đến nay, đã có 3 thương hiệu của Làng nghề được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố là: nước mắm Bình Minh, nước mắm Hương Làng Cổ và nước nắm Nam Ô - Hiệp Hải.

Để khai thác tiềm năng du lịch, UBND quận Liên Chiểu đang triển khai quy hoạch, xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề và khu trình diễn cho nghệ nhân, các hộ làm mắm nhằm hỗ trợ giới thiệu sản phẩm làng nghề vào các khu, điểm du lịch, bến thủy nội địa, trung tâm thương mại trên địa bàn… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu xây dựng trang thông tin điện tử; phối hợp với các đơn vị để triển khai hướng dẫn, hỗ trợ và phát triển CDĐL đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô.

https://vjst.vn (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài