SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vườn ươm khoa học công nghệ: Kinh nghiệm từ một số quốc gia

[31/08/2013 15:15]

Tại hội thảo quốc tế “Ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, viện nghiên cứu - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây, các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về mô hình, ươm tạo DN KHCN.

Ươm tạo DN KHCN là cầu nổi thúc đẩy phát kinh tế   

Nhận thức chung về mô hình Vườn ươm KHCN còn hạn chế

Theo Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có 47 vườn ươm DN KHCN, nhiều vườn ươm đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng DN KHCN được ươm tạo như: Vườn ươm DN CRC-TOPIC: 22 DN; Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao (HBI): 4 DN và hỗ trợ trên 20 DN KH&CN ngoài vườn ươm; Trung tâm ươm tạo DN phần mềm Quang Trung (SBI): 1 0DN; Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao Hoà Lạc: 25 DN và đã tập trung được vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hoá, vi điện tử; vật liệu mới…
Bước đầu, những vườn ươm này đã có sự phát triển, đóng góp cho sự phát triển của DN và nền kinh tế. Chẳng hạn như Trung tâm ươm tạo DN phần mềm Quang Trung, một trong số các vườn ươm đang hoạt động hiệu quả đã có doanh số tăng nhanh từ gần 350 triệu đồng năm 2008 lên hơn 2  tỷ đồng năm 2012. Một số sản phẩm chủ lực của các DN thuộc SBI đang được đánh giá cao như: phần mềm quản lý ô tô, phần mềm Smart-SMS, phần mềm E-branding, E-learning, phần mềm quản lý chuỗi shop thời trang…

Tuy nhiên, nhận định chung thì kết quả hoạt động ươm tạo từ các vườn ươm còn khiêm tốn, chưa thực sự thu hút các DN tham gia. Các chuyên gia cho rằng, thách thức hiện nay là do nhận thức chung về vườn ươm, tầm quan trọng của hoạt động ươm tạo công nghệ còn hạn chế kể cả ở cấp quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở, viện, trường,DN. Tiếp đó là hạn chế về khả năng kết nối với các quỹ đầu tư, các nguồn tài chính. Bên cạnh đó là thiếu nguồn đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ từ phía Nhà nước về mặt khuôn khổ pháp lý và tài chính cho các cơ sở ươm tạo.

Kinh nghiệm từ một số quốc gia

Mang đến hội thảo câu chuyện thực tế từ Vườn ươm tạo DN Darebin (Australia), diễn giả Bob Waite - Tổng giám đốc Vườn ươm tạo DN Darebin cho biết: Hiện Australia có 45 vườn ươm, đa số các vườn ươm của Australia hoạt đông hiêu quả. Các vườn ươm này đẫ hỗ trợ DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh nhỏ, kinh doanh dịch vụ, công nghiệp chiếu sáng, công nghệ thông tin... 75% số DN trong các vườn ươm vẫn tiếp tục hoạt động sau 3 năm và các vườn ươm có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế tại cộng đồng địa phương...

Việt Nam cũng có thể học tập và triển khai những mô hình vườn ươm như Darabin, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ đầu tư ban đầu như cấp đất và một số cơ sở hạ tầng… chỉ trong một thời gian ngắn vườn ươm sẽ tự vận hành và nuôi sống chính mình.

Tìm hiểu kinh nghiệm ươm tạo DN từ Israel, nơi nổi tiếng vì đã tạo được môi trường thuận lợi cho các DN KHCN khởi nghiệp, ông Zafrir Asaf, Trưởng phòng Kinh tế và thương mại của Đại sứ quán Israel tại Hà Nội chia sẻ: Chính phủ Israel xác định vai trò của các vườn ươm KHCN là chấp nhận chia sẻ rủi ro cho các nhóm sáng chế công nghệ mới, hỗ trợ giúp biến ý tưởng công nghệ thành những DN khởi nghiệp và trợ giúp cho tới khi chứng nhận được vòng đầu tư đầu tiên từ các nhà đầu tư tư nhân.

Các vườn ươm Israel hỗ trợ DN về tài chính, quản trị và cung cấp cấp dịch vụ quản lý hành chính, tư vấn định hướng và xây dựng chiến lược cho DN và hỗ trợ thương mại hóa công nghệ. Vườn ươm là nơi hướng dẫn, truyền kinh nghiệm, đồng thời cũng là nơi rèn luyện cho DN tinh thần kỷ luật trong quá trình hoạt động.

Cũng theo ông Zafrir Asaf, tổng ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho chương trình ươm tạo DN của Israel khoảng 50 triệu USD. Theo thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, các mô hình vườn ươm đa dạng được giới thiệu tại hội thảo sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các nhà quản lý Việt Nam trong phát triển các vườn ươm DN công nghệ thời gian tới. Việc xây dựng và phát triển các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc liên kết các hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm có chất lượng. Các cơ sở ươm tạo sẽ thật sự có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước./.

http://www.ven.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài