SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả của một số chất sát trùng đối với các vi khuẩn gây hại trên bề mặt nền chuồng, vách ngăn và máng ăn trong chuồng nuôi lợn thịt

[13/11/2013 15:26]

Sát trùng tiêu độc chuồng trại, thiết bị chăn nuôi trước khi đưa gia súc vào nuôi và định kỳ trong quá trình sản xuất là một yếu tố đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe cho đàn gia súc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sát trùng khác nhau đang được bán và sử dụng rộng rãi, hiệu quả sát trùng của chúng đối với các vi khuẩn gây hại đã được đánh giá trong phòng thí nghiệm. Hiệu quả sát trùng của các chất sát trùng đối với các loại vi khuẩn khác nhau và trong điều kiện phòng thí nghiệm và trong điều kiện sản xuất là khác nhau; hiệu quả sát trùng thường bị giảm đối với các vi khuẩn bám dính bề mặt. Việc sử dụng các chất sát trùng để sát trùng chuồng nuôi và thiết bị trong chuồng nuôi có thể làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta việc sát trùng chuồng nuôi, thiết bị trong chuồng nuôi chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức và các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chất sát trùng trong điều kiện thực tiễn sản xuất của nước ta còn ít.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu gồm Phùng Thăng Long (Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế), Đinh Thị Bích Lân, Lê Đức Thạo, Huỳnh Văn Chương, Phùng Trung Phước, Đặng Thị Hương, Lê Công Thịnh, Hồ Thị Bích Ngọc, Lê Quốc Việt, Phan Văn Quyết, Trần Thị lan (Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ - Đại học Huế) và Đoàn Vĩnh, Lã Văn Kính (Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ) đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của một số chất sát trùng đối với các vi khuẩn gây hại trên bề mặt nền chuồng, vách ngăn và máng ăn trong chuồng nuôi lợn thịt”.

Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả sát trùng của Benkocid tỷ lệ 1/200, Chloramin T 3‰, Formol 5%, Virkon S1% và NaOH 2% đối với các vi khuẩn gây hại: Escherichia coli (E. coli), Salmonella spp, tổng số vi khuẩn hiếu khí và Coliform trên bề mặt chuồng vách, vách ngăn và máng ăn trong chuồng nuôi lợn thịt để khuyến cáo cho người chăn nuôi sử dụng các chất sát trùng hiệu quả. Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ - Đại học Huế.

Qua quá trình nghiên cứu cho thấy, tất cả 5 dung dịch: Benkocid tỷ lệ 1/200, Chloramin T 3‰, Formol 5%, Virkon S1% và NaOH 2% có hiệu quả tốt trong việc tiêu độc, khử trùng một số vi khuẩn gây hại trên bề mặt nền chuồng, vách ngăn và máng ăn trong chuồng nuôi lợn thịt sau khi trống chuồng. Chúng có khả năng làm giảm  66,37%-70,27% số lượng vi khuẩn E. coli, 68,04%-77,95% số lượng vi khuẩn Samonella spp và 72,96%-85,92% Coliform sau 60 phút sát trùng. Tuy nhiên, chúng chỉ làm giảm khoảng 25,50%-39,16% tổng số vi khuẩn hiếu khí.

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã có kiến nghị: Để nâng cao hiệu quả sát trùng và góp phần làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn thịt, sau thời gian trống chuồng nên sử dụng dung dịch Benkocid tỷ lệ 1/200 hoặc NaOH 2% để sát trùng nền chuồng, vách ngăn và máng ăn để làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn E. coli, Samonella spp và Coliform gây bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn lợn và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Tạp chí NN&PTNT, số 14/2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài