Kết quả nghiên cứu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất Ngô tại Lạc Thủy, Hòa Bình năm 2015 và 2016.
Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nông nghiệp nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng.
Hiện nay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh hại và cỏ dại trên cây trồng, trong đó có cây ngô, vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Việc xác định được hiệu lực của các loại thuốc đối với các đối tượng gây hại trên cây ngô và ảnh hưởng của chúng đến cây ngô nhằm lựa chọn và khuyến cáo các thuốc có hiệu quả cho áp dụng trong sản xuất là rất cần thiết, nhóm tác giả của Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Viện nghiên cứu Ngô và Đại học Thái Nguyên đã tiến hành nghiên cứu “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất ngô tại Lạc Thủy, Hòa Bình năm 2015 và 2016”.
Nhóm tác giả đã sử dụng giống ngô DK9901 và A380 cùng thuốc bảo vệ thực vật: 4 loại thuốc trừ cỏ, 4 loại thuốc trừ sâu, 4 loại thuốc trừ bệnh hại trên ngô để làm vật liệu nghiên cứu.
Nghiên cứ cho thấy, đối với cỏ 2 lá mầm, thuốc có hoạt chất Atrazine có hiệu quả diệt trừ cao nhất (80,0 – 86,5%). Đối với cỏ 1 lá mầm, thuốc có hoạt chất Simazine có hiệu quả diệt trừ cao nhất (79,6 – 81,6%). Nếu cỏ 2 lá mầm xuất hiện nhiều nên dùng các loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất nhóm Atrazine, nếu cỏ 1 lá mầm nhiều thì nên sử dụng loại thuốc trừ cỏ hoạt chất Simazine.
Loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm có hoạt chất Acetamprid có tác dung trừ sâu cao nhất (74,1 – 74,5%).
Các thuốc chứa hoạt chất Cholorothanotil có hiệu quả phòng trừ cao nhất (51,2 – 52,1%), các loại thuốc mang hoạt chất Carbendazim không nên sử dụng theo Quyết định số 03/QĐ/BNN-BVTV ngày 03/01/2017, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu thuốc trị bệnh cho ngô có nhóm hoạt chất khác.
TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 12/2017