SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ra mắt văn phòng phía Nam của tổ chức công nhận năng lực phòng thử nghiệm

[06/11/2017 10:14]

Chiều nay ngày 3/11/2017, Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) tổ chức lễ ra mắt văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM (ảnh). AOSC có trụ sở tại Hà Nội, hiện là một trong hai đơn vị duy nhất ở Việt Nam cung cấp dịch vụ công nhận năng lực phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn; công nhận năng lực phòng thử nghiệm theo ISO/IEC 17025:2005 với mã hiệu công nhận là VLAT.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng (Tổng thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB), hiện nay các kết quả thử nghiệm, kiểm nghiệm của Việt Namchưa được tin cậy cao khi ra quốc tế. Việc tiếp cận các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho phòng thử nghiệm còn khó khăn, nhất là với các phòng thử nghiệm tư nhân. Các yếu tố đảm bảo độ tin cậy của một phòng thử nghiệm trên thế giới phải đảm bảo 5 yếu tố theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hết sức khắt khe đó là: tay nghề nhân viên, máy móc/thiết bị, phương pháp thử, hóa chất/vật tư và môi trường/cơ sở vật chất. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ một ít các phòng thử nghiệm đáp ứng điều này.

Các vấn đề thử nghiệm tại Việt Nam hiện nay chủ yếu rơi vào trường hợp chủ quan, đó là dịch vụ hỗ trợ đảm bảo kết quả thử nghiệm còn nghèo nàn; sự hợp tác giữa các phòng thử nghiệm còn hạn chế, không phát huy được nguồn lực xã hội; năng lực quản lý phòng thử nghiệm còn thấp, năng suất lao động chưa cao; thiết bị, máy móc đầu tư không đồng bộ, thiếu hệ thống thiết bị phụ trợ v.v… Từ đó, dẫn đến việc không nhiều phòng thử nghiệm thực hiện đúng nghĩa cung cấp “dịch vụ thử nghiệm”.

Vậy làm gì để tạo thương hiệu quốc gia về thử nghiệm? Theo ông Dũng, các phòng thử nghiệm cần tập trung tạo độ tin cậy trong hoạt động cung cấp dịch vụ thử nghiệm, bao gồm cả việc minh bạch, công khai các thông tin cần thiết; phải tạo lòng tin trong nước trước khi tạo lòng tin quốc tế; đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến vào phòng thử nghiệm; đẩy mạnh hợp tác giữa các phòng thử nghiệm để tiết kiệm nguồn lực xã hội, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thử nghiệm của xã hội.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự quy hoạch hệ thống thử nghiệm trong mọi lĩnh vực; tạo sân chơi công bằng giữa các phòng thử nghiệm không phân biệt sở hữu; tăng cường thanh kiểm tra – xử lý vi phạm nghiêm minh; nâng cao vai trò của tổ chức công nhận; có chính sách thuế cho máy móc thiết bị; ban hành cơ chế chấp nhận phòng thử nghiệm đã hoạt động được hưởng ưu đãi doanh nghiệp khoa học & công nghệ; tham khảo mô hình quản lý thử nghiệm, học hỏi của các nước trên thế giới.

AOSC là một tổ chức khoa học và công nghệ, được thành lập từ năm 2014, trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. AOSC là thành viên chính thức của Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm châu Á – Thái Bình Dương, thành viên thông tấn của Tổ chức hợp tác công nhận phòng thí nghiệm quốc tế. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của AOSC là nghiên cứu, ứng dụng những tiêu chuẩn, cách thức, phương pháp tiến hành việc đánh giá sự phù hợp trong hoạt động công nhận; tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia để tiến tới thực hiện việc công nhận chuyên gia đánh giá sự phù hợp và từng bước hội nhập với các tổ chức khu vực và quốc tế.

Phòng thử nghiệm được công nhận là một xu hướng tất yếu, giúp nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý của phòng thử nghiệm, đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn. Quan trọng hơn, kết quả các phép đo lường, thử nghiệm của các phòng thử nghiệm được công nhận đã được nhà nước thừa nhận về tính pháp lý.

 

Tuyết Mai
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ