Diễn đàn MEMS/Sensor TP.HCM sẽ diễn ra hàng năm
Lần đầu tiên “Diễn đàn MEMS/Sensor” đã diễn ra tại TP.HCM trong ngày 9/11/2017 với 2 nội dung chính: “Các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor” và “Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường”.
Mỗi nội dung đã diễn ra trong một buổi, cuối mỗi buổi đều có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực nhằm đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor của TP.HCM.
Hoạt động chủ yếu của diễn đàn, gồm: thành lập ban điều hành; tổ chức hội nghị quốc tế để xác định thách thức và những vấn đề cần để giúp phát triển công nghiệp MEMS cho TP.HCM; tổ chức nghiên cứu về thị trường MEMS quốc tế nhằm đề xuất chính sách phát triển công nghiệp MEMS cho TP.HCM; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sản phẩm MEMS mới để kêu gọi đầu tư; kết nối đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học về MEMS.
“Diễn đàn MEMS/Sensor” lần này có sự tham gia trình bày của 5 diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến, như ông Roger Grace (chủ tịch Hiệp hội RGA), ông Tom Nguyen (giám đốc điều hành DunAn Sensing), TS. Henderik F. Hamann (quản lý cao cấp, Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson), TS. Matteo Rinaldi (giáo sư Trường ĐH Northeastern, Hoa Kỳ), và TS. Srinivas Tadigadapa (giáo sư Trường ĐH Penn State, Hoa Kỳ).
Về phía TP.HCM, PGS.TS Dương Anh Đức - giám đốc Sở thông tin và truyền thông TP.HCM đã trình bày về “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM” và TS Lê Hoài Quốc - trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trình bày về “Chính sách thu hút đầu tư và hệ sinh thái MEMS/Sensor tại TP.HCM”...
Với mục tiêu lấy khoa học và công nghệ làm công cụ để giải quyết những vấn đề mà TP.HCM đang đối diện, đặc biệt tập trung giải quyết 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ TP.HCM đã thông qua. Thành ủy và UBND TP.HCM đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo tập trung, thúc đẩy việc triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013 – 2020”. Trong đó các chương trình và đề án phát triển hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) được chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trực tiếp chỉ đạo và giao cho Ban quản lý Khu công nghệ cao làm đầu mối triển khai thực hiện “Diễn đàn MEMS/Sensor”.
“Diễn đàn MEMS/Sensor” là nơi để các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống. Đặc biệt là tạo ra cơ hội để cùng hợp tác đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho TP.HCM từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dự kiến, diễn đàn này sẽ được tổ chức hàng năm; trong 3 năm đầu sẽ do TP.HCM chủ trì và giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao tổ chức thực hiện; sau đó có thể sẽ giao cho Hiệp hội doanh nghiệp vi mạch - bán dẫn tiếp tục duy trì để tạo cơ hội giao lưu, hợp tác phát triển trong lĩnh vực MEMS/Sensor.
www.khoahocphothong.com.vn (ttncac)