Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp - WANA 2017. Hội thảo nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp, góp phần sản xuất ra nông sản sạch, chất lượng cao, giảm thiểu các chi phí trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, công nghệ nano được các nước trên thế giới ứng dụng trong các lĩnh vực như: y học, công nghệ, nông nghiệp, thủy sản… Cụ thể, nhiều nước đã ứng dụng các hạt nano để xử lý hạt giống, nhằm cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng, chất lượng và năng suất thu hoạch của cây trồng. Công nghệ nano cũng được ứng dụng trong phân bón lá, bao gồm các nguyên tố vi lượng cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như cảm biến, công nghệ nano cũng có thể phát hiện và chẩn đoán nhanh các bệnh do vi sinh vật gây ra cho cây trồng; đồng thời sẽ góp phần tạo ra các giá trị cho nền nông nghiệp và sản xuất ra nông sản sạch, chất lượng cao, giảm thiểu các chi phí trong quá trình sản xuất.
Tại hội thảo, đại diện Viện công nghệ Nano (INT) - Đại học quốc gia TP.HCM giới thiệu và trình diễn sản phẩm hệ thống cảm biến đo đạc các thông số môi trường nước ao nuôi trồng thủy sản và vật liệu nano bạc khử khuẩn, cung cấp sản phẩm cho các công ty, doanh nghiệp tiềm năng ứng dụng thử nghiệm và phản hồi kết quả. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp cũng được đề cập như: xây dựng hệ thống tuần hoàn năng lượng thân thiện với môi trường nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản; thiết kế và vận hành hệ thống năng lượng pin nhiên liệu oxid rắn ứng dụng chuyển đổi chất thải nuôi trồng thủy sản thành năng lượng điện; vai trò của rong đối với tôm thẻ chân trắng trong quá trình nuôi tôm…
Ông Huỳnh Thành Đạt, giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM cho biết: Đại học quốc gia TP.HCM đang thực hiện chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia mang tên “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ”; trong đó, Đại học quốc gia TP.HCM phụ trách các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp mà nổi bật là các nghiên cứu về chuỗi giá trị của cây lúa, tôm, cá, trái cây, về kinh tế vùng, liên kết vùng, về hạn hán, ngập mặn…
Hiện nay, Đại học quốc gia TP.HCM rất quan tâm đến việc hợp tác vì sự phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung như: Ninh Thuận, Bình Thuận… và mong muốn các đơn vị thành viên và trực thuộc Đại học quốc gia TP.HCM cùng tham gia các chương trình, các hoạt động phục vụ cộng đồng, hỗ trợ sự phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung.
Theo ông Văn Công Thới, giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bình Thuận, công nghệ nano được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều lĩnh vực cần áp dụng những thành tựu từ công nghệ nano trong sản xuất và đời sống, nhằm đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc tổ chức hội thảo về những thành tựu của sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 13 đã xác định hai trong bốn khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là: “Ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ” và “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực khoa học công nghệ”.