SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dự án khởi nghiệp- Bảo tồn giống lê Cao Bằng

[22/11/2017 10:18]

Lê Đông Khê là loại lê nổi tiếng thơm ngọt nhất tỉnh Cao Bằng. Để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loại cây ăn quả đặc sản này, huyện Thạch An đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất bền vững cây lê vàng Đông Khê giai đoạn 2017 - 2020.

Lê Đông Khê có vị ngọt, thơm và chát đặc trưng. Quả lê to, khi ăn cảm nhận vị ngọt thanh, mềm nhưng lại giòn. Quả lê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe. Năm 2012, Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn. 

Tuy nhiên, do chưa được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dẫn địa lý nên người dân khó nhận biết, dễ bị những mặt hàng trôi nổi ngoài thị trường trà trộn. Trước thực tế đó, Dự án khởi nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phát triển nông thôn miền núi cho cây lê và cây ăn quả khác được triển khai. Hiện dự án đang đi vào giai đoạn xây dựng cơ bản, đầu tư ban đầu, thực hiện chủ yếu là cây ăn quả, đặc biệt là mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một của lê Đông Khê. Dự án đánh giá về thực trạng sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp thâm canh, những ưu thế nổi trội của cây lê vàng bản địa, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo đánh giá của đơn vị thực hiện, điều kiện tự nhiên của Đông Khê mang đặc trưng của khí hậu á nhiệt đới, tương tự như Đà Lạt, Mộc Châu, Lào Cai, thuận lợi cho nhiều loại cây ăn quả xứ lạnh, trong đó có cây lê phát triển. Nhờ được trồng theo hướng tiêu chuẩn hữu cơ, lại có đội ngũ chuyên gia tư vấn hướng dẫn kỹ thuật có kinh nghiệm về lĩnh vực cây trồng, dự án nhận được sự kỳ vọng. Đã lưu giữ giống cây bản địa sinh trưởng và phát triển trên chính vùng đất của dự án, điều đó đảm bảo được vị ngon, ngọt, hương thơm đặc biệt của giống lê bản địa. Là dự án trọng điểm của tỉnh để tổ chức quảng bá hình ảnh lễ hội hoa lê hàng năm nên được sự hỗ trợ của UBND tỉnh cao bằng về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, được hưởng ứng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước về đầu tư và phát triển nông nghiệp tại nông thôn miền núi. 

Đầu năm 2017, công tác xây dựng cơ bản được triển khai, sau khi làm đường băng, tạo mặt bằng, đào hố hoàn thành, 4.000 cây giống lê vàng Đông Khê đã được trồng trên diện tích 10 ha. Lê là cây ăn quả dài ngày, nếu trồng, chăm bón đúng kỹ thuật, sau 3 - 4 năm, cây bắt đầu bói quả. Dự kiến, đến cuối năm 2017 dự án sẽ hoàn thành trồng thêm 20 ha lê, theo kế hoạch đến năm 2020, con số sẽ là 60 ha. Ngoài phạm vi dự án, người dân có nhu cầu cũng có thể được dự án hỗ trợ về cây giống. 

Với kết quả bước đầu, hy vọng, dự án sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới và tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn, góp phần thúc đẩy hiệu quả Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt, giúp giữ gìn một nguồn cây trồng có giá trị lớn. 

Theo kế hoạch của dự án, từ năm 2017-2019 trồng và khai thác 30 ha; từ năm 2020 trồng thêm 40 ha; giai đoạn tiếp theo sẽ trồng thêm 30 ha. Cũng theo kế hoạch, năm 2019, sẽ xây dựng kho bảo quản theo tiêu chuẩn Hàn Quốc; năm 2020, xây dựng hệ thống chế biến sau thu hoạch cho sản phẩm.

wwww.baocongthuong.com.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ