Sở khoa học và công nghệ TP.HCM hỗ trợ thiết thực cho hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước và là đơn vị chịu trách nhiệm chính, Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã có vai trò rất tích cực trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (DN ĐMST) trên địa bàn.
Hoạt động KN tại TP.HCM luôn diễn ra sôi nổi.
Cụ thể, sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân TP ban hành nhiều chương trình hỗ trợ DN ĐMST và khởi nghiệp (KN) với tầm nhìn và mục tiêu quan trọng là: hỗ trợ hình thành hệ sinh thái ĐMST của thành phố, tạo sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần của hệ sinh thái; thúc đẩy các hoạt động KN - ĐMST; nâng cao năng suất - chất lượng - năng lực ĐMST đối với các DN hiện hữu nhằm thực hiện tái cấu trúc DN, tái KN, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Một số kết quả nổi bật trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ DN ĐMST trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã thể hiện những nỗ lực của thành phố trong việc xây dựng nền tảng của hệ sinh thái ĐMST. Cụ thể như: hình thành không gian thúc đẩy hoạt động ĐMST và KN của thành phố (Saigon Innovation Hub - SIHUB, diện tích 2.000 m2); kết nối các phòng thí nghiệm mở (OpenLab), các trung tâm ĐMST để hỗ trợ cho các dự án KN sáng tạo của các cá nhân, tổ chức; kết nối hợp tác với các hoạt động hỗ trợ ươm tạo và ĐMST của Bộ KH&CN (chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan, chương trình thúc đẩy KN Việt Nam), các cơ sở ươm tạo DN ở thành phố, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế (Phần Lan, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Thái Lan, Anh, Mỹ, Israel, Thụy Sĩ).
Kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN trên địa bàn thành phố, hiện sở cũng đang hoàn thiện, trình Ủy ban nhân dân thành phố Đề án phát triển hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST nhằm làm cơ sở hình thành trung tâm thúc đẩy hoạt động ĐMST và KN của TP.HCM.
Thời gian qua, sở đã mở các khóa đào tạo bồi dưỡng về ĐMST, năng suất - chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho gần 6.000 học viên; bồi dưỡng mô hình đào tạo STEM cho 1.100 giáo viên, hơn 3.000 học sinh thuộc các trường phổ thông trên địa bàn 24 quận, huyện. Đào tạo kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển ý tưởng và đánh giá sản phẩm KN cho hơn 1.523 cá nhân và nhóm KN; nâng cao năng lực về kiến thức tiền KN cho 1.100 sinh viên của hơn 30 trường đại học thông qua các buổi đào tạo, hội thảo và kết nối. Hỗ trợ đào tạo về ĐMST và KN cho 115 giảng viên của 11 trường đại học để hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy về ĐMST và KN trên địa bàn thành phố.
Đánh giá việc triển khai chương trình hỗ trợ ĐMST và KN TP.HCM (SpeedUp 2017), cũng như việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm KH&CN của các DN KN, TS. Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - cho biết, sở đã hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trọng tâm, trọng điểm theo các lĩnh vực trọng điểm của thành phố, kết quả có 78% đề tài, dự án có kết quả nghiệm thu được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống.
Chương trình hỗ trợ ĐMST và KN Thành phố Hồ Chí Minh (SpeedUp 2017) nhằm cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án KN - ĐMST thông qua các cơ sở ươm tạo DN. Từ tháng 1/2017 đến nay, chương trình đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án KN - ĐMST; trong đó, số lượng các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay. Tuyển chọn 11 sản phẩm thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu thuộc các lĩnh vực trọng điểm (giai đoạn 2011 - 2016) để cung cấp cho cộng đồng KN; đồng thời hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư để hình thành những DN KN - ĐMST mới. Chương trình hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao đã có 7 dự án tham gia, trong đó có 4 dự án từ hoạt động nghiên cứu của DN, 3 dự án từ hoạt động nghiên cứu triển khai của khu công nghệ cao.
Trong thời gian qua, thành phố đã ươm tạo trên 800 DN từ các cơ sở ươm tạo trên địa bàn thành phố, trong đó có khoảng 500 DN hoàn thành chương trình ươm tạo và trên 75 DN đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư.
Thành phố cũng đã hỗ trợ kết nối qua việc thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái KN - ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng điểm của thành phố gồm: công nghệ thông tin, cơ khí - tự động, chế biến tinh lương thực - thực phẩm và hóa chất - nhựa - cao su với vai trò kết nối các thành phần trong hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ĐMST theo định hướng của thành phố.
Với mục tiêu xây dựng thành phố ĐMST và KN, thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ cho hoạt động ĐMST và KN, cụ thể như sau: hỗ trợ hình thành không gian hỗ trợ hoạt động ĐMST và KN theo hình thức hợp tác công tư (PPP); triển khai thực hiện đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chuyên gia; xây dựng Quy định nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của các tổ chức hoạt động KH&CN được đầu tư từ ngân sách sự nghiệp KH&CN thành phố; phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST và KN. Thành phố cũng xây dựng các chương trình mục tiêu trong nghiên cứu KH&CN thuộc các lĩnh vực: xây dựng đô thị thông minh, khoa học dữ liệu (Big data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, công nghệ CNC, công nghệ in 3D, ứng dụng tế bào gốc trong y học,… để định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố.