KH&CN phải gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế tri thức của thế giới
Đó là 1 trong 5 lưu ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được tổ chức sáng 9/1/2018 tại Hà Nội. Tham dự cùng Thủ tướng Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lãnh đạo các bộ, ngành: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…; Lãnh đạo các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre…; lãnh đạo các tập đoàn/doanh nghiệp/các công ty khởi nghiệp…
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo Báo cáo được trình bày tại Hội nghị, trong năm 2017, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0).
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN đã hoàn thành và trình 100% văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp thiết thực để thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh.
KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp. Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%. Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của CMCN4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số GII của Việt Nam tăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 năm 2016 lên vị trí 47/127 năm 2017), đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Bộ KH&CN dẫn đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý, tương ứng với 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 01 ngày. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tập trung hoàn thiện. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được triển khai với trọng tâm là hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ trong năm APEC 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả ngành KH&CN đạt được trong năm qua. Đã có rất nhiều sản phẩm KH&CN trong mọi lĩnh vực được ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống như nuôi trồng thủy sản, tài chính ngân hàng, y học, môi trường, thiết bị xây dựng. Đặc biệt, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nông nghiệp xuất khẩu vượt dầu thô năm 2017. Đây là một kỳ tích của nông nghiệp Việt Nam trong năm qua, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của KH&CN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục gồm: 1) Thị trường KH&CN phát triển còn chậm, các kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng nhiều vào trong thực tiễn; 2) Phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp chưa thực sự trở thành trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo; 3) Chưa huy động được mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN; 4) Cơ chế tài chính cho KH&CN còn nhiều bất hợp lý, và 5) Hoạt động thu hút và trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực KH&CN còn nhiều vướng mắc. Từ những hạn chế trên, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Bộ KH&CN cần lưu ý các vấn đề: Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Phối hợp triển khai phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN; KH&CN phải gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế tri thức của thế giới; Đảm bảo tính bền vững trong các hoạt động KH&CN; và cuối cùng là nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ những người làm công tác quản lý KH&CN, bởi con người là gốc rễ của mọi thành công.
http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn (ttncac)