SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sở hữu trí tuệ có thể trở thành môn học tự chọn trong trường ĐH

[19/01/2018 14:38]

Việc đảm bảo quyền thực thi SHTT, thực hiện các cam kết về SHTT đòi hỏi cán bộ của các cơ quan thực thi có trình độ để có thể phát hiện, xử lý đúng các vụ vi phạm.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, phát biểu tại hội thảo.

Dự án “Đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” do khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội chủ trì với sự tài trợ của Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ (Bộ KH&CN). Dự kiến sẽ có 17 lớp chuyên sâu về các lĩnh vực của sở hữu trí tuệ (SHTT) được tổ chức tại 4 khu vực thí điểm khu vực Bắc Bộ và miền Trung với khoảng 500 học viên tham dự.

Tại hội thảo giới thiệu về dự án, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó chủ nhiệm phụ trách khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm dự án, cho biết dự án được tiến hành thực hiện trong 24 tháng, tập trung vào các nhóm đối tượng chuyên sâu như: khối giảng viên với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; kinh tế- tài chính; khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, kiến trúc. Khối doanh nghiệp bao gồm cả hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Khối cán bộ thực thi quyền SHTT gồm các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án và cuối cùng là nhóm các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Chương trình đào tạo sẽ được xây dựng dựa trên điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của từng nhóm đối tượng. Chương trình sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện sau đợt thí điểm theo hướng nâng cấp hệ thống học liệu. Giảng viên sẽ được mời từ các trường đại học, viện nghiên cứu, Bộ KH&CN, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các văn phòng luật sư, cơ quan thực thi và cơ quan, doanh nghiệp có liên quan khác.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết trên thực tế, việc đảm bảo quyền thực thi SHTT, thực hiện các cam kết về SHTT đòi hỏi cán bộ của các cơ quan thực thi (hải quan, quản lý thị trường, công an, tòa án…) có trình độ để có thể phát hiện, xử lý đúng các vụ vi phạm. Bên cạnh đó, nhu cầu cán bộ cho các tổ chức hỗ trợ, tư vấn, đại diện SHTT, giám định SHTT đòi hỏi các chương trình đào tạo cụ thể để đảm bảo cung cấp nhân lực cho hệ thống này… 

Ông cũng khẳng định, nhu cầu đào tạo về SHTT là rất cần thiết, chính vì vậy dự án đáp ứng phần nào định hướng về hoạt động đào tạo SHTT mà Cục SHTT đề ra, đặc biệt là vấn đề tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác mở rộng hoạt động đào tạo, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động đào tạo. 

Theo PGS.TS Trương Vũ Hoàng Giang, Phó ban KH&CN, Đại học quốc gia Hà Nội, không nên gói gọn quy mô cho những nhóm đối tượng mà cần đưa vào hệ thống đào tạo chung, trước mắt có thể là hệ thống đào tạo của Đại học quốc gia như một môn tự chọn.

www.khampha.vn (ntthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ