Nafosted: tạo “thương hiệu” riêng trong cộng đồng khoa học
Hoạt động công tâm, minh bạch của các Hội đồng khoa học (HĐKH), của Quỹ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia trong thời gian qua đã tạo dấu ấn, thương hiệu riêng trong cộng đồng khoa học, tạo nền tảng cho sự phát triển, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động KH&CN trong nước phát triển.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ phát biểu tại buổi Lễ.
Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại Lễ gặp mặt các Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành nhiệm kỳ 2015-2017, ra mắt các HĐKH ngành nhiệm kỳ 2017-2019 và triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực KHTN&KT năm 2018 – đợt 1 do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Naforted) tổ chức ngày 26/1/2018 tại Hà Nội.
Tham dự buổi Lễ có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; các thành viên HĐQL Quỹ, đại diện cơ quan điều hành và Ban kiểm soát Quỹ; các thành viên HĐKH ngành nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2019 cùng đại diện của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tại Lễ gặp mặt, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cho biết: HĐKH trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT) của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được thành lập theo 8 ngành (Toán học; Khoa học thông tin và máy tính; Vật lý; Hóa học; Khoa học trái đất; ngành Khoa học sự sống chuyên ngành Sinh học - Nông nghiệp; Khoa học sự sống chuyên ngành Y sinh - Dược học và Cơ học) do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Hội đồng có chức năng giúp xác định các định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên của Quỹ, xét chọn và đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, đồng thời tư vấn các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quỹ. Mỗi HĐKH ngành gồm 09 thành viên, trong đó có 03 thành viên thường trực là Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký khoa học. HĐKH trong lĩnh vực KHTN&KT nhiệm kỳ 2017-2019 được bầu chọn theo quy trình bầu chọn HĐKH của Quỹ, theo đó đáp ứng các tiêu chí lần lượt như sau: năng lực của nhà khoa học; sự tín nghiệm của các nhà khoa học (thông qua kết quả bình chọn) trên cơ sở cân đối về chuyên ngành hẹp; vùng miền giữa các thành viên.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: “Bản thân tôi coi đây là cơ hội quan trọng, được gặp gỡ, trực tiếp lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học”. Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Quỹ và HĐKH thể hiện trên cả kết quả KH&CN vượt trội về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, chưa kể góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN.
Tại phiên họp buổi chiều, Quỹ tiến hành triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT năm 2018- đợt 1 với 274 hồ sơ đề nghị tài trợ. Ngành có số hồ sơ nhiều nhất là ngành Vật lý với 70 hồ sơ, chiếm 25.7% tổng số hồ sơ đợt này, ngành có số hồ sơ ít nhất là ngành Toán học với 9 hồ sơ; số hồ sơ từ các trường đại học chiếm 66.54%, gấp 3 lần số hồ sơ đến từ viện nghiên cứu; số hồ sơ đề nghị tài trợ từ các nhà khoa học trẻ (chủ trì đề tài) dưới 35 tuổi chiếm 37,87%. Tại phiên họp lần này, các HĐKH ngành dự kiến phân công phản biện các hồ sơ theo quy định. Phiên họp chính thức của các HĐKH ngành dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 2 tuần cuối của tháng 3/2018.
Những con số ấn tượng của HĐKH trong lĩnh vực KHTN&KT nhiệm kỳ 2015-2017:
-Tham gia đánh giá xét chọn 1493 hồ sơ đề xuất.
- Trên cơ sở tư vấn của HĐKH ngành, Quỹ đã quyết định tài trợ cho 813 đề tài.
-Tính đến tháng 12/2017, tổng số đề tài được nghiệm thu trong giai đoạn 9/2015-2017 là 550 đề tài.
- Số bài báo ISI được công nhận là kết quả của các đề tài được nghiệm thu là 1472.
- Tham gia đánh giá xét chọn hồ sơ trong các chương trình hợp tác quốc tế,bao gồm chương trình hợp tác song phương NAFOSTED - FWO, NAFOSTED – DFG, NAFOSTED – RCUK.
- Tham gia tư vấn các chiến lược, chính sách của Quỹ như: Góp ý xây dựng Thông tư 37/2014/TT-BKHCN, Thông tư 40/2014/TT-BKHCN, Thông tư 09/2015/TT-BKHCN và các văn bản khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Quỹ.
|
www.truyenthongkhoahoc.vn (ntthang)