SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phòng chống bệnh không lây nhiễm: Làm sao người dân có thể chủ động?

[07/02/2018 16:29]

Các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Bức tranh dịch tễ về bệnh không lây nhiễm đã chuyển từ sắc xanh nhẹ nhàng sang sắc cam nóng bỏng!

Chọn chế độ ăn giảm bớt thịt, ăn nhiều cá và rau xanh sẽ tốt cho sức khỏe.

Bệnh không lây nhiễm: nguy cơ bức tranh “màu đỏ”

Nếu chỉ xem xét các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là tăng huyết áp và bệnh tim mạch có liên quan, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện đã chiếm tới 66% tổng gánh nặng bệnh tật và 73% số ca tử vong hàng năm tại Việt Nam, trong đó 43% số tử vong là trước 70 tuổi.

Những con số như 12,5 triệu người trưởng thành tăng huyết áp; 3,5 triệu người tiểu đường; 150.000 trường hợp ung thư mắc mới mỗi năm làm chúng ta vô cùng lo lắng cho chất lượng dân số và gánh nặng kinh tế quốc gia.

Những con số như gần 60% người mắc tăng huyết áp, gần 70% người mắc bệnh tiểu đường không biết mình bị bệnh, trên 70% số ca ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho điều trị không mang lại hiệu quả, làm chúng ta thêm bội phần băn khoăn về việc vì sao phần lớn người dân chưa chủ động quan tâm đến sức khỏe, thường chỉ đến viện khi bệnh đã quá nặng.

Nếu tính thêm loãng xương và các bệnh liên quan, sâu răng, rối loạn tâm thần... thì bức tranh sức khỏe của nước ta đã và đang có nguy cơ chuyển sang sắc “màu đỏ”!

Tại sao bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng?

Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm ngoài phần đóng góp nhỏ của gia tăng tuổi thọ thì nguyên nhân chủ yếu là do 4 yếu tố: chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia.

Theo Bộ y tế, năm 2015 có 45% nam giới trưởng thành hút thuốc, 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại. Ăn nhiều chất béo, nhiều chất bột đường, nhiều muối, nhiều đường, ít rau ngày càng phổ biến. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới. Có đến 1/3 số người dân thiếu vận động thể lực.

Có nhiều thay đổi trong thói quen ăn uống truyền thống như tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chế độ ăn dư thừa năng lượng, mất cân đối các chất dinh dưỡng và những thay đổi trong lối sống như tăng thời gian hoạt động tĩnh tại thông qua “ngồi thiền” gấp nhiều lần khuyến nghị không quá 2 giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính, tivi, điện thoại cũng như nhiều phương tiện không dây khác đã phổ biến đến tận thôn quê. Bệnh không lây nhiễm lan rộng tới mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn, từ người rất trẻ đến người cao tuổi.

Làm gì để hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa bệnh không lây nhiễm?

Để giải quyết hiệu quả phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cần phải có chương trình tiếp cận của từng cá thể theo cả chu trình vòng đời, từ chủ động thực hành lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe đến phát hiện sớm yếu tố nguy cơ để thay đổi hành vi nhằm đẩy lùi sự xuất hiện bệnh.

Những hạn chế về kiến thức và thực hành phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cần được nhanh chóng bù đắp bằng những giải pháp đơn giản. Nhiều em bé đi khám bác sĩ dinh dưỡng vì không biết ăn rau nhưng khi hỏi thêm thì luôn thấy ba mẹ cháu cũng gần như không ăn rau! Nhiều người ăn rất mặn nhưng không hề biết mình ăn mặn vì món ăn không có vị mặn do được nêm cả muối, bột ngọt lẫn đường.

Người lớn, trẻ em khó lòng biết được trong thực phẩm có bao nhiêu gram chất béo và chất béo bão hòa, có bao nhiêu gram đường, bao nhiêu gram muối hay natri... Nhiều người không biết, để tiêu hao 100 kcalo cần đi bộ trong bao nhiêu phút?

Nhiều người không biết lúc nào cần đo huyết áp và thử đường máu? Nhiều người nhầm tưởng béo là khỏe, bụng to là tốt tướng vì không biết chỉ số khối cơ thể lớn hơn 25 kg/cm2 là béo phì, vòng bụng trên 90 cm ở nam giới và trên 80 cm ở nữ giới là béo bụng.

Bệnh không lây nhiễm: hoàn toàn có thể phòng ngừa

Có thể nói, nếu như mọi người hãy tự chủ động nhận diện các yếu tố nguy cơ, tự thực hành thay đổi hành vi về dinh dưỡng, vận động để hình thành những thói quen đúng đắn thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được những bệnh không lây nhiễm. Việc tự nhận thức trong việc chủ động phòng chống là giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao.

Theo Tổ chức y tế thế giới, 80% các bệnh không lây nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Mỗi cá nhân hoàn toàn có thể nỗ lực trong thực hành chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá; giảm tiêu thụ rượu bia.

Liệu nỗ lực của cá nhân trong tăng cường vận động thể lực có thể thực hiện bền vững được không nếu thiếu công viên trong khu dân cư, thiếu vỉa hè để đi bộ, thiếu đường dành riêng cho xe đạp, thiếu sân trường đủ rộng cho học sinh đá cầu, nhảy dây, chơi đuổi bắt?

Liệu việc không hút thuốc lá có giảm nếu việc hút thuốc lá tại nơi công cộng, nhà hàng, bệnh viện vẫn không thấy bị xử phạt nghiêm túc? Liệu có giảm số người tiêu thụ bia rượu ở mức có hại nếu rượu bia được bán tràn lan khắp các quán xá từ sáng tới khuya, thuế suất chưa đủ cao để hạn chế tiêu thụ, trẻ vị thành niên vẫn có thể tự do là người bán, là người mua và là người uống rượu bia không hề bị hạn chế?

Để phòng ngừa có hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, theo đó:

Các cơ quan quản lý cần:

- Xây dựng các chính sách nhằm tạo môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực của mỗi cá nhân trong bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.

- Hạn chế tiêu thụ bia rượu, và không hút thuốc lá để nâng cao sức khỏe cho mọi người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp cần:

- Thể hiện vai trò vì sức khỏe cộng đồng thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến công thức để sản xuất sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh, giảm muối, giảm đường, giảm chất béo trans, chất béo bão hòa, sản phẩm có bổ sung các vi chất dinh dưỡng theo các khuyến nghị về sức khỏe.

- Người nuôi trồng và kinh doanh lương thực thực phẩm, gia súc gia cầm, thủy hải sản cần có ý thức với sức khỏe của chính mình và người tiêu dùng vốn là người nuôi sống mình bằng cách thực hành sản xuất và kinh doanh tốt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì các chất thải trong sản xuất.

Bạn có biết?
- Cần có ít nhất 150 phút vận động hiếu khí cường độ trung bình mỗi tuần.
- Cần ăn ít nhất 400 g rau, 100 g trái cây mỗi ngày
- Nên ăn ít hơn 5 g muối mỗi ngày
- Nên ăn ít hơn 20 g đường mỗi ngày
- Để tiêu hao 100 kcalo cần phải đi bộ 20 phút

www.khoahocphothong.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ