So sánh giá trị dự đoán sự cần thiết phải thông khí nhân tạo của bảng điểm BAP-65 và CURB- 65 ở bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Trần Văn Đồng, Nguyễn Văn Chi, Đỗ Ngọc Sơn.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu nhằm so sánh giá trị dự đoán sự cần thiết phải thông khí nhân tạo của bảng điểm BAP-65 và CURB-65 trên những bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD). Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu,cắt ngang mô tả.
Nghiên cứu 419 bệnh nhân đợt cấp COPD nhập viện vào cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1 năm 2013 đến hết tháng 6 năm 2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 378 bệnh nhân (90,2%) không phải thở máy, 41 bệnh nhân (9,8%) phải thông khí nhân tạo xâm nhập (TKXN). Diện tích dưới đường cong (AUROC) của BAP-65 cho dự đoán sự cần thiết phải TKXN cao hơn AUROC của CURB-65: 0,93 (95% CI: 0,90-0,95) và 0,90 (95% CI: 0,87-0,93) với p= 0,272. Cả BAP-65 và CURB-65 có thể coi là công cụ hữu ích giúp cho sự phân tầng nguy cơ thở máy ban đầu trên bệnh nhân đợt cấp COPD, tuy nhiên BAP-65 có xu hướng dự đoán chính xác hơn CURB-65.
Tạp chí y dược học Huế, Tập 7 (02)