Kiến thức và thái độ về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng thực phẩm đường phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2017
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Lê Vĩnh Hòa, Tống Thị Ánh Ngọc, Lê Nguyễn Đoan Duy, Nguyễn Văn Lành.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu nhằm đánh giá kiến thức và thái độ của người tiêu dùng thực phẩm đường phố tại địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Nghiên cứu 400 đối tượng là những người tiêu dùng từ 8 địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nhìn chung, người tiêu dùng có kiến thức và thái độ về an toàn thực phẩm đạt mức khá. Đối với kiến thức về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng đạt mức trung bình và kém, tương ứng là 48,25% và 22,25%. Ngược lại, người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn về an toàn thực phẩm, cụ thể đạt mức tốt 52% và mức trung bình 40,75%. Kiến thức và thái độ của người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi địa bàn điều tra cũng như giới tính của người tiêu dùng (p > 0,05). Tuy nhiên, độ tuổi, trình độ, thu nhập, đào tạo về an toàn thực phẩm và tình trạng hôn nhân có ảnh hưởng đến kiến thức và thái độ về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng (p < 0,05). Phần lớn người tham gia nghiên cứu này đều dưới 45 tuổi (chiếm 91,25%) và chưa được đào tạo về an toàn thực phẩm (86%). Mặt khác, đa số người tiêu dùng không biết các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm từ vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus aureus (69%), Salmonella (63%) và Escherichia coli (60%).
Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở có thể được sử dụng để xây dựng chiến lược và hành động phù hợp nhằm cải thiện an toàn thực phẩm đường phố nói chung và nhận thức của người tiêu dùng tại Hậu Giang nói riêng.
Tạp chí nông nghiệp &PTNT, số 2/2018