Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Nguyễn Bích Ngọc, Lã Thành Tâm.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, toàn thành phố có tổng diện tích tự nhiên là 26.361,7441 ha, trong đó: diện tích thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 11.075,5675 ha. Tính đến ngày 30/12/2016, tổng số giấy đã cấp 137.122 thửa đất với tổng diện tích 10.167,71 ha, chiếm 91,83% diện tích thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số giấy chứng nhận đã giao đến 30/12/2016 là 131.246 giấy. Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố là 26.361,7441 ha, trong đó diện tích đất đã được đưa vào khai thác sử dụng cho các mục đích chiếm khoảng 96% diện tích tự nhiên của toàn thành phố Biên Hòa. Việc triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã công khai và minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải cách hành chính, được nhân dân hài lòng tin tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại nhất định như quá trình kê khai đăng ký đất đai về nguồn gốc đất còn nhiều sai sót so với thực tế sử dụng, người dân không xác định được các giấy tờ cần thiết khi cấp giấy, bàn giao có một số hồ sơ bị thất lạc, hồ sơ kê khai đăng ký chưa đúng quy định…
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, nghiên cứu đề xuất các giải pháp như đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ địa chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm chuẩn hóa hệ thống quản lý nhà nước về đất đai từ thành phố xuống cơ sở, bộ phận giải quyết thủ tục hành chính cơ chế một cửa, một cửa liên thông phải là bộ phận được đầu tư chuẩn hóa đầu tiên.
Tạp chí nông nghiệp &PTNT, số 2/2018