Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả kiểm định, hiệu chuẩn nhờ giải pháp 'có một không hai'
Công tác kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo tại Đồng Nai đã đạt hiệu quả cao với sự ra đời của một giải pháp sáng tạo do Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL thực hiện.
Tác giả Đặng Viết Phương Nam, đại diện nhóm nghiên cứu giải pháp nhận giải thưởng tại Ngày hội KH&CN tỉnh Đồng Nai năm 2018.
Với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đo lường theo quy định pháp luật, bảo vệ an toàn sản xuất đối với người lao động, bảo vệ môi trường, công tác hiệu chuẩn, kiểm định phương tiện đo trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đồng Nai (trực thuộc Sở KH&CN) đã tìm tòi, sáng tạo cải tiến kỹ thuật các thiết bị phục vụ cho công tác hiệu chuẩn, kiểm định đạt tiêu chuẩn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL).
Theo đó, giải pháp “Thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lực kéo nén” do nhóm tác giả Đặng Viết Phương Nam, Đặng Thái Sơn và Đinh Hữu Cương (đang công tác tại Trung tâm) thực hiện, đã góp phần mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý nhà nước, thuận lợi cho doanh nghiệp khi ứng dụng thực tế. Đây cũng là một trong ba giải pháp xuất sắc vượt qua gần 170 giải pháp, giành giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2017 tỉnh Đồng Nai.
Theo tác giải Đặng Viết Phương Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, hiện nay, các phương tiện đo lực đang được sử dụng rất nhiều trong nhà máy, xí nghiệp. Phương tiện đo hiện được dùng để thử nghiệm độ bền của sản phẩm tại các nhà máy sản xuất gạch, ngói, gốm, sứ; sản xuất bao bì, nhựa, vải, sợi, giấy; hoặc các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng, phòng Lab… Tuy nhiên, theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật Đo lường Việt Nam (ĐLVN 109: 2002) của Tổng cục TCĐLCL thì các phương tiện đo lực này phải được kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ để đảm bảo kết quả thử nghiệm chính xác.
Thiết bị dùng để kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo lực này sử dụng phổ biến là bộ đo lực kéo nén chuẩn điện tử hoặc cung lực. Trong đó, mỗi bộ đo lực kéo nén chuẩn điện tử sẽ bao gốm 1 cảm biến lực loadcell, 1 bộ chỉ thị và 1 phần mềm đi kèm. Với kết cấu cố định như vậy nên thiết bị hiệu chuẩn này rất khó đáp ứng dịch vụ cho doanh nghiệp.
Bởi lí do các máy kéo nén và phương tiện đo lực trong hoạt động sản xuất rất đa dạng, nhiều quy mô khác nhau, khoảng cách giữa các ngàm lực trong nhiều máy cũng khác. Dẫn đến để hiệu chuẩn được tất cả các phương tiện đo lực này đòi hỏi đơn vị thực hiện hiệu chuẩn phải mua nhiều thiết bị cảm biến lực, nhiều đầu đo lực cũng như sử dụng nhiều phần mềm.
Giá thành mỗi bộ có giá trị từ 60 đến 200 triệu đồng. Điều này vừa gây lãng phí, tốn nhiều chi phí đầu tư, vừa gây khó khăn khi cho người thực hiện công tác hiệu chuẩn khi di chuyển thực hiện hiệu chuẩn vì phải mang nhiều thiết bị.
“Đó là những lí do mà tôi và các cộng sự đã tìm tòi và xây dựng giải pháp thiết kế một thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lực đa năng có khả năng đọc và nhớ được nhiều loại cảm biến lực khác nhau. Cùng với đó, việc kiểm định, hiệu chuẩn được thực hiện tự động trên máy tính góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, thuận tiện cho việc di chuyển thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn với doanh nghiệp ở xa, bên ngoài”, tác giả Đặng Viết Phương Nam cho biết.
Thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lực kéo nén của nhóm tác giả Trung tâm TCĐLCL được thiết kế với cấu trúc gồm 6 bộ phận: cảm biến lực, khối vi xử lý, bộ khuếch đại và chuyển đổi ADC, khối nguồn, truyền dữ liệu trên máy tính, mạch đo lường điều khiển thiết kế hoàn chỉnh.
Theo tác giả Đặng Viết Phương Nam, sau thời gian đưa vào sử dụng thử nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động của thiết bị hiệu chuẩn, kiểm định phương tiện đo lực kéo nén tại nhiều dạng cơ sở sản xuất; đồng thời đối chiếu kết quả kiểm định, hiệu chuẩn với tiêu chuẩn kỹ thuật ĐLVN 109: 2002 và kết quả của một số thiết bị hiện có trên thị trường của nhóm nghiên cứu cho thấy, thiết bị cho kết quả kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lực hoàn toàn đạt yêu cầu đề ra.
Chi phí thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khi sử dụng thiết bị của nhóm nghiên cứu chỉ khoảng 10 triệu đồng, giúp cho cơ quan tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng trong việc đầu tư máy móc.
Điều quan trọng nhất là với việc chủ động được các thiết bị đạt yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh kiểm soát tốt độ chính xác của các phương tiện đo trong phòng thí nghiệm nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cung cấp ra thị trường.