SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

'Mồi lửa’ nguy hiểm từ những thiết bị dùng pin lithium kém chất lượng

[04/04/2018 10:10]

Pin lithium-ion hiện được đưa vào trong hàng loạt sản phẩm như smartphone, sạc dự phòng, laptop, ôtô điện, xe điện cân bằng và cả thuốc lá điện tử. Đối với những thiết bị dùng pin lithium kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập cháy.

Nguy cơ cháy laptop do pin lithium-ion đặc biệt gây quan ngại trên máy bay. Ảnh Thanh Niên

Nguy cơ cháy nổ từ pin kém chất lượng

Vụ cháy chung cư PARC Spring vào chiều tối ngày 1/4 vừa qua đã được đại diện Phòng Cảnh sát PCCC quận 2, TP.HCM cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ một cục sạc dự phòng cắm sạc ở đầu giường.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ cháy bắt nguồn từ pin sạc dự phòng nhưng vụ việc này là một lời cảnh báo nghiêm trọng về thực trạng sử dụng pin sạc dự phòng kém chất lượng tràn lan hiện nay.

Không chỉ pin sạc dự phòng kém chất lượng phát nổ, thời gian vừa qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp cháy nổ liên quan đến các thiết bị sử dụng pin lithium như sự tự phát cháy liên quan đến các sự cố trong hệ thống dây điện của xe.

Đặc biệt, từ giữa năm 2016, Ủy ban An toàn Hàng tiêu dùng Hoa Kỳ - CPSC đã thu hồi hơn 500.000 xe điện cân bằng từ 8 nhà sản xuất sau khi có khoảng hơn 60 vụ bắt lửa xảy ra. CPSC cũng đưa ra cảnh báo chính thức về “các gói pin/acquy lithium-ion trong xe có thể gây quá nhiệt, rủi ro bốc khói, bắt lửa và phát nổ”.

Tại Việt Nam, tối 15/7/2016 cũng xảy ra cháy nổ xe điện cân bằng tại địa chỉ 23 Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM), nguyên nhân được cho là do pin bị lỗi.

Năm 2017, hãng máy tính HP cũng thông báo thu hồi hơn 100.000 sản phẩm máy tính sử dụng pin lithium-ion. Đây là sự mở rộng so với con số 41.000 pin laptop mà HP đã thu hồi tại Mỹ trong tháng 6 năm ngoái. Lý do được đưa ra là vì pin có thể quá nóng dẫn đến bắt lửa và bốc cháy. Trước đó vào giữa năm 2016, nhà sản xuất Toshiba (Nhật Bản) thông báo triển khai chương trình thu hồi pin đang dùng trên một số dòng laptop của hãng có khả năng gây ra cháy do quá nóng.

Theo phân tích của các chuyên gia, pin lithium-ion với sự gọn nhẹ, không chiếm nhiều diện tích, sạc nhanh và có thể nạp nhiều lần mà không lo bị chai pin. Tuy nhiên nhược điểm của các loại pin này là sử dụng các hợp chất dễ cháy và dễ bay hơi được nén bên trong viên pin giúp cho các phân tử lithium-ion có thể di chuyển dễ dàng giữa hai điện cực. Khi sạc, pin sản sinh nhiệt và nếu lượng nhiệt này không được kiểm soát một cách hợp lý, nó có thể khiến hợp chất bên trong bắt lửa, thậm chí phát nổ.

Những hợp chất này cũng trở nên bất ổn nếu có gì đó tác động vào viên pin. Thực tế đã cho thấy, pin lithium-ion được sử dụng trong một số các thiết bị điện và điện tử đã phát nổ trong quá trình sử dụng và sạc điện.

Xe điện cân bằng phát nổ do pin lithium-ion bị quá nhiệt

Sắp có tiêu chuẩn “quản” chất lượng pin lithium

Hiện nay, Ủy ban kỹ thuật điện (IEC) đã xây dựng một số tiêu chuẩn phục vụ cho việc thử nghiệm và kiểm tra an toàn đối với các pin sạc như bộ tiêu chuẩn IEC 62133, Pin và acquy thứ cấp chứa ankan hoặc chất điện phân không axit khác – Yêu cầu an toàn đối với pin thứ cấp gắn kín xách tay và acquy được làm từ các pin này được sử dụng trong các ứng dụng xách tay; Bộ tiêu chuẩn IEC 62660, Pin lithium thứ cấp dùng cho truyền động của xe điện và tiêu chuẩn IEC 62281:2016, An toàn đối với pin lithium sơ cấp và thứ cấp trong quá trình vận chuyển. Các tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn, tính năng và phương pháp thử các loại pin sạc (pin thứ cấp).

Ngoài ra đối với xe điện cân bằng, hầu hết các nước có quản lý an toàn đối với sản phẩm này đều đang sử dụng tiêu chuẩn UL 2272: 2016, Hệ thống điện dùng cho thiết bị vận hành cá nhân. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về các thử nghiệm điện, thử nghiệm cơ, thử nghiệm môi trường, thử nghiệm vật liệu và linh kiện, và các yêu cầu về ghi nhãn và hướng dẫn.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Tiêu chuẩn 2, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), các tiêu chuẩn nêu trên đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia trong năm 2017 và 2018.

Liên quan đến quản lý an toàn các sản phẩm sử dụng pin lithium, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BTTTT QCVN 101:2016/BTTTT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với pin lithium cho các thiết bị cầm tay, bao gồm: pin lithium điện thoại di động, pin lithium máy tính bảng, pin lithium máy tính xách tay.

“Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu soạn thảo QCVN cho pin sạc sử dụng cho xe điện tự cân bằng, đồ chơi trẻ em và các thiết bị sử dụng tại các nơi công cộng và dự kiến ban hành trong năm 2018.

Các QCVN này sẽ góp phần thống nhất quản lý chất lượng cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh pin sạc, đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, bà Vân cho hay.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ