SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đổi mới cơ chế tài chính trong khoa học: Hai giải pháp cơ bản

[17/09/2011 16:45]

Sự trì trệ của nền khoa học Việt Nam trong suốt một thời gian dài có phần bắt nguồn từ những bất cập trong quản lý tài chính. Đây vẫn là một trong những tồn tại dai dẳng mà các nhà quản lý chưa giải quyết được triệt để.

Vấn đề đổi mới trong cơ chế xét duyệt đề tài và thực hiện khoán kinh phí đã được Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ Quốc gia đưa ra trong buổi tọa đàm về chính sách tài chính trong KHCN như hai giải pháp cơ bản nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên.

Ít ỏi và rót nhầm chỗ

Tài chính cho hoạt động KHCN, trên lý thuyết đến từ 3 nguồn: Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, tổng đầu tư của 3 nguồn này cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng GDP (trong đó từ ngân sách nhà nước là khoảng 0,5% - so với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 2,2% và 4,5% - còn lại đến từ xã hội và doanh nghiệp-cho thấy vai trò mờ nhạt của hai nguồn này).

Tuy nhiên, điều đáng nói là con số 1% không những ít ỏi mà còn bị sử dụng kém hiệu quả, do việc Nhà nước vừa là người xét duyệt vừa là người cấp phát dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Hệ quả tiêu cực không tránh khỏi là cơ chế xin cho, trong đó nguy cơ các mối quan hệ cá nhân tác động tới quyết định cấp phát là rất cao.

Hiện nay khi có nhiều quĩ mới sắp đi vào hoạt động với vốn điều lệ vô cùng lớn, nếu vẫn duy trì cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì thất thoát trong việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu là khó tránh khỏi. Bản chất của nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự chính xác và minh bạch, trong khi nguồn chi và cách chi lại không rạch ròi là điều không thể chấp nhận.

Ngoài khó khăn về nguồn cung là việc giải ngân nguồn tiền ngân sách Nhà nước gắn liền với những quy định cứng nhắc đòi hỏi tổ chức phải đệ trình dự toán chi tiết kinh phí đề tài. Điều này không phù hợp với thực tế là quá trình nghiên cứu thường kéo dài vài năm (nhất là với những nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp) và đòi hỏi không ít điều chỉnh so với kế hoạch. Như vậy, ngân sách cố định ban đầu phải cắt xén, co kéo để chi cho nhiều hạng mục phát sinh trong thời buổi lạm phát tất yếu sẽ tạo ra những sản phẩm dở dang. Ông Trương Hữu Trí, Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp Việt Nam, cho rằng nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu thực chất chảy vào bộ máy hành chính hơn là phân bổ trực tiếp cho những đề tài mới, gây hậu quả là các công trình nghiên cứu không những bị hạn chế về số lượng mà còn yếu kém về chất lượng.

Ngoài ra, việc cấp ngân sách còn mang nặng tính hình thức theo kiểu đem con bỏ chợ, cho rằng ngân sách cứ rót xuống là xong mà không quan tâm kết quả đầu ra thế nào. Từ đó xuất hiện tình trạng để đạt được một mục tiêu khoa học đặt ra có rất nhiều đề tài nối đuôi ra đời. Đề tài sau hoặc không tận dụng được kết quả nghiên cứu của đề tài trước, hoặc giẫm chân lên những công đoạn đã được thực hiện, gây lãng phí không chỉ tiền bạc mà còn cả công sức lao động. Theo ông Trương Quang Học (Đại học Quốc gia Hà Nội), tình trạng này giống như việc “đun nước”, đun đi đun lại nước chỉ lục bục mà vẫn chưa sôi.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết việc cho phép chủ nhiệm đề tài quyết định chi lương đã dẫn đến tình trạng chủ nhiệm lạm dụng “ôm” phần lớn công trình, khiến các thành viên khác ngồi không trong tình trạng thiếu thu nhập. Một điều được tọa đàm đặc biệt nhấn mạnh là đồng lương ít ỏi theo biên chế không đủ sống khiến nhiều cán bộ bỏ nghề hoặc không nhiệt huyết công tác. Thực tế trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao trong ngân sách cấp cho từng đề tài không tính đến mức tiền công lao động phù hợp của các nghiên cứu viên (trong khi điều này đã được thực hiện rất lâu ở trong khu vực và trên thế giới). Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm triệt tiêu động lực của các nhà nghiên cứu.

Đổi mới xét duyệt đề tài

Những bất cập trong cơ chế quản lý và sử dụng tài chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng nền khoa học Việt Nam vẫn ỳ trệ với vô số những kết quả nghiên cứu nửa vời. Vì vậy, các thành viên tham gia tọa đàm đều chung quan điểm cần có sự đổi mới triệt để một cách toàn diện có đồng bộ từ cấp quản lý nhà nước, bắt đầu là khâu quản lý xây dựng đề tài.

Theo ông Trương Quang Học, hiện nay các nhiệm vụ khoa học thường xuất phát từ ý muốn chủ quan của những nhà khoa học mà không đi từ nhu cầu thực tế của đời sống. Với những kết quả nghiên cứu ít giá trị từ những công trình như vậy, nguồn tài chính dù có dồi dào đến mấy, sử dụng có hợp lí đến mấy, cũng không thể coi là đã phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu. Vì vậy cần có sự tăng cường sự bắt tay chặt chẽ giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp sản xuất, để từ đó các nhà khoa học tự xác định được các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày, bên cạnh những nhiệm vụ lớn, mang tầm quốc gia do nhà nước giao xuống cơ sở.

Ngoài ra, khâu tiến hành lựa chọn đề tài cũng cần nghiêm túc và minh bạch. Điều này thực sự khó khăn bởi hiện nay, việc lựa chọn đề tài ở Việt Nam thường được tiến hành bởi các hội đồng khoa học không thực sự đảm bảo về chất lượng chuyên môn cũng như tính khách quan trong đánh giá.

Trông chờ cơ chế khoán

Cơ chế “khoán” được đa số đại biểu nêu ra như một bước đi căn bản trong việc cải thiện hoạt động tài chính cho các tổ chức nghiên cứu. Lập luận cho rằng sản phẩm đầu ra cuối cùng là quan trọng nhất, là thước đo cho hiệu quả của công trình khoa học, nên có thể lược bỏ bớt những khâu trung gian nhằm tiết kiệm thời gian và công sức nhận được nhiều sự ủng hộ. Việc đơn giản hóa này sẽ khiến các thủ tục hành chính như hóa đơn, xin xác nhận… ở khâu thanh quyết toán vốn khiến nhiều nhà khoa học không thể tập trung toàn bộ cho công tác chuyên môn, được loại bỏ. Cơ chế khoán nêu trên cũng là công cụ giúp các nhà nghiên cứu lập dự phòng tài chính cho đề tài của mình để đối phó với trượt giá. Mặt khác, nó cũng góp phần đưa dự chi thù lao phù hợp cho cán bộ nghiên cứu vào ngân sách, phần nào giảm nhẹ gánh nặng về áp lực thu nhập.

Tuy nhiên, để đảm bảo cơ chế khoán hoạt động hiệu quả không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi khâu quản lý kết quả sản phẩm đầu ra vô cùng nghiêm ngặt. Nếu không, vô hình trung lại trở thành lãng phí và bị lợi dụng, trong bối cảnh cơ chế nghiệm thu phản biện khoa học ở Việt Nam bị không ít những phê phán những năm gần đây.

Mặc dù vậy, về cơ bản các đại biểu đều đồng tình là cần thực hiện khoán, trước tiên là thí điểm, nếu mô hình thành công thì sẽ nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận là nên khoán theo hình thức nào - khoán trắng hay khoán theo tỉ lệ - và nếu khoán cho cán bộ nghiên cứu nhưng kết quả không hoàn thành thì có phải hoàn thu phần nào không, nếu có thì thế nào v.v.Các đại biểu cũng cho rằng cần phải tách bạch giữa quản lý chính sách và tài chính để tránh tình trạng xin-cho. Hiện nay khi có nhiều quĩ mới sắp đi vào hoạt động với vốn điều lệ vô cùng lớn, nếu vẫn duy trì cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì thất thoát trong việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu là khó tránh khỏi. Bản chất của nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự chính xác và minh bạch, trong khi nguồn chi và cách chi lại không rạch ròi là điều không thể chấp nhận.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ