Ô nhiễm ánh sáng: Tàn phá sức khỏe con người, tận diệt côn trùng và làm cho lúa 'điếc'
Loài người đã tạo ra vô vàn loại ánh sáng nhân tạo để thắp sáng màn đêm và để chứng tỏ sự văn minh. Nhưng nếu lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và làm mất cân bằng sinh thái.
Một góc tại TP.HCM với đủ loại sắc màu của hệ thống điện làm sáng bừng cả bầu trời đêm. Ảnh: Thành Hoa.
Th.s BS chuyên khoa II Phan Phước Thái Bình, trưởng khoa mắt, Bệnh viện mắt Phương Nam (TP.HCM) đã chia sẻ như vậy khi nói về tình trạng ô nhiễm ánh sáng - vấn đề chưa được nhiều người quan tâm.
BS Bình cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã có nhiều cảnh báo về vấn đề ô nhiễm ánh sáng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này lại ít được nhắc tới. Ô nhiễm ánh sáng nếu không được kiểm soát sẽ tạo ra những hệ quả tiêu cực không kém các loại ô nhiễm khác.
Âm thầm tàn phá sức khỏe
Trong các loại ô nhiễm hiện hữu trong môi trường sống, con người thường nói tới nhiều đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… Còn ô nhiễm ánh sáng lại ít được nhắc tới. Bác sỹ có thể lý giải tại sao?
Ô nhiếm ánh sáng được hiểu là tác động quá mức các loại ánh sáng nhân tạo thường vào ban đêm ảnh hưởng đến con người và môi trường. Ánh sáng nhân tạo lấn át ánh sáng tự nhiên làm con người khó chịu và làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi đó mới gọi là ô nhiễm ánh sáng.
Ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng nhân tạo luôn âm thầm, tác động từ từ đến sức khỏe con người nên người ta ít nhắc tới vì lý do đó. Nó trái ngược với các loại ô nhiễm khác như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí thường có những biểu hiện sớm và tác động nhanh tới sức khỏe con người.
Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, ánh sáng nhân tạo được sử dụng nhiều tại các khu vui chơi giải trí, các tòa nhà, bảng hiệu… Việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo ở mức độ và cường độ như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, đôi mắt con người?
Ánh sáng nhân tạo từ bảng hiệu, chỗ chiếu sáng công cộng, các nhà hàng, tòa nhà… chủ yếu là ánh sáng từ đèn led trong đó có ánh sáng xanh. Loại ánh sáng xanh, vẫn có những mặt tích cực như kích thích hoạt động cơ thể, giúp con người ở trạng thái thức. Ví như ánh sáng mặt trời, ánh sáng xanh chiếu vào giúp con người thức dậy, tăng hoạt động của nhịp tim, giúp con người đi vào trạng thái hoạt động.
Tuy nhiên, ánh sáng xanh hoạt động mạnh vào ban đêm, thời điểm mắt người ở trạng thái nghỉ ngơi thì ảnh hưởng sẽ ở chiều ngược lại. Việc nhìn vào ánh sáng nhân tạo (ánh sáng xanh) sẽ làm ức chế việc sản xuất Melatonin (một dạng hóc môn duy trì nhịp sinh học) của mắt.
Về mắt, ánh sáng nhân tạo tác động lên võng mạc, tổn thương lên tế bào biểu mô sắc tố nuôi dưỡng võng mạc của mắt. Tế bào biểu mô sắc tố suy giảm gây giảm thị lực của con người. Đây là một nguyên nhân gây mù đối với người cao tuổi do việc thoái hóa điểm vàng.
Các nghiên cứu hiện nay, chưa đo lường được thời gian hay cường độ ánh sáng bao nhiêu là ảnh hưởng xấu tới mắt cả. Hiện nay theo chuẩn thị lực, con người nên để mắt hoạt động trong khoảng 300 - 400 lux (chỉ số độ rọi, độ chiếu sáng) là vừa đủ. Trong trường hợp sử dụng đèn làm việc, nếu tăng ánh sáng quá cao, mắt không phản ứng kịp sẽ rơi vào tình trạng mỏi mệt.
Ngoài ra, con người không nên tập trung vào màn hình tivi và các thiết bị điện tử như máy tính, smartphone, máy tính bảng… quá lâu. Đây là những thiết bị phát ra ánh sáng xanh. Hãy để cho mắt “nhìn xa” khoảng 1 đến 2 phút sau thời gian tập trung vào màn hình khoảng 30 phút rồi tiếp tục. Nhìn xa tức là cho mắt nhìn cảnh vật bên ngoài các thiết bị điện tử ở khoảng cách trên 5 mét để mắt được nghỉ ngơi.
Ở phương Tây có nguyên tắc rất hay có tên gọi 20 - 20. Tức là cứ 20 phút làm việc thì để mắt nhìn xa trong 20 feet (khoảng hơn 6 mét).
Th.s BS chuyên khoa II Phan Phước Thái Bình. Ảnh: Hà Thế An.
Môi trường cũng bị ảnh hưởng
Một số ý kiến cho rằng, ánh sáng nhân tạo là ánh sáng xanh (từ đèn led, màn hình tivi, điện thoại thông minh…) tác động đến đôi mắt có thể gây ung thư, theo bác sỹ, thông tin đó có đúng không?
Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định ánh sáng xanh là yếu tố trực tiếp gây ra ung thư. Cũng chưa có bài báo công bố quốc tế nào khẳng định vấn đề này. Tuy nhiên, những nghiên cứu của các nhà khoa học đều chỉ ra rằng, ánh sáng xanh gây ức chế việc tiết chất melatonin làm cơ thể luôn ở trạng thái thức, và suy giảm hệ miễn dịch của con người.
Cơ thể làm việc liên tục thì mọi cơ quan nội tạng đều có thể bị suy giảm chức năng, đặc biệt là hệ miễn dịch. Hiện nay, nhiều bệnh lý ung thư tác động trực tiếp và gây suy giảm hệ miễn dịch của con người.
Các nghiên cứu về bệnh ung thư của các nhà khoa học tập trung nhiều đến hệ miễn dịch. Do đó, ô nhiễm ánh sáng có mối liên quan đến ung thư tức là nói đến việc suy giảm miễn dịch của con người.
Việc tăng ánh sáng nhân tạo ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe con người còn có tác động gì khác đến môi trường không?
Ngoài vấn đề về sức khỏe, ô nhiễm ánh sáng cũng tác động rất lớn đến môi trường sống của con người, cụ thể là động thực vật và hệ sinh thái. Cụ thể, các loài chim di cư thường bay ban đêm. Con người sử dụng ánh sáng nhân tạo quá mức đến nỗi chỗ nào cũng có ánh sáng. Điều đó sẽ làm các loài chim bị mất phương hướng và va chạm vào các tòa nhà cao tầng khiến chúng bị chết.
Các loại côn trùng có tính hướng sáng. Điều đó lý giải tại sao, ông bà ta ngày xưa có kinh nghiệm bắt côn trùng bằng cách soi đèn. Ô nhiễm ánh sáng sẽ hủy diệt các loại côn trùng. Nhiều loại côn trùng là nguồn thức ăn của các loài khác. Việc côn trùng bị tiêu diệt có thể làm mất cân bằng sinh thái.
Ánh sáng nhân tạo cũng tác động đến quá trình sinh trưởng của các loài thực vật. Tôi còn nhớ, cách đây 8 năm các đèn đường cao áp ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã khiến cho các ruộng lúa không thể trổ bông.
Có thể nói, ô nhiễm ánh sáng đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và tác động đến môi trường như các loại ô nhiễm khác. Nhiều người cho rằng, một nơi nào đó ánh sáng càng nhiều, càng rực rỡ thì thể hiện xã hội đó văn minh. Tuy nhiên, ánh sáng nếu bị làm dụng quá giới hạn cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến con người và môi trường.
Tạp chí khoa học Science Advances mới đây đã công bố một số kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 80% dân số thế giới sống trong tình trạng “ô nhiễm ánh sáng”. Đặc biệt, 99% dân số Mỹ và châu Âu phải chịu tình trạng này. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của ánh sáng nhân tạo gồm Singapore, Kuwait và Qatar. Các nước như Chad, Cộng hòa Trung Phi và Madagascar ít chịu ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng nhất.
Một nghiên cứu khác của Đại học Haifa, Israel kết luận rằng: phụ nữ sống ở những vùng đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với phụ nữ ở những nơi tận dụng chiếu sáng tự nhiên.
|