So sánh tác dụng giảm đau trong chuyển dạ đẻ đường ngoài màng cứng bằng ropivacain 0,1% với levobupivacain 0,1%
Nghiên cứu được thực hiện bởi đồng tác giả Nguyễn Đức Lam - Trường Đại học Y Hà Nội và Phạm Hòa Hưng - Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu dã tiến hành so sánh tác dụng giảm đau trong chuyển dạ đẻ và các tác dụng không mong muốn trên mẹ và con của gây tê ngoài màng cứng giữa ropivacain 0,1% với levobupivacain 0,1%. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có so sánh trên 100 sản phụ, đẻ thường tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, được giảm đau trong đẻ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng và được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: Nhóm R sử dụng ropivacain 0,1% và fentanyl 2mcg/ml, nhóm L sử dụng levobupivacain 0,1% và fentanyl 2mcg/ml. Liều bolus ban đầu ở cả hai nhóm là 10ml, liều thuốc tê duy trì truyền liên tục qua catheter ngoài màng cứng là 8ml/giờ, khi bệnh nhân xuất hiện đau, VAS > 4 thì tiêm thêm 5ml thuốc tê ở mỗi nhóm qua catheter ngoài màng cứng. Áp dụng phương pháp truyền liên tục thuốc tê bằng bơm tiêm điện qua catheter ngoài màng cứng và được điều chỉnh tốc độ truyền tùy theo đáp ứng của sản phụ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm đau VAS của các bệnh nhân ở tất cả các thời điểm trong nghiên cứu đều không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm, 100% sản phụ sau đẻ đều hài lòng và rất hài lòng. Các sản phụ ở nhóm ropivacain ít bị ức chế vận động và ít tác dụng không mong muốn hơn so với nhóm levobupivacain: Tỷ lệ ức chế vận động Bromage độ 0 là: 100% so với 88%, Bromage độ 1 ở nhóm ropivacain là 0% so với 12% ở nhóm levobupivacain. Tỷ lệ run ở nhóm ropivacain là 4% so với 16%. Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ bằng ropivacain 0,1% có tác dụng giảm đau tương đương với levobupivacain 0,1% nhưng ít ức chế vận động hơn và ít tác dụng không mong muốn hơn.
Tạp chí Y dược lâm sàng 108, Tập 12 - Số 8/2017