Tính toán thể tích bể chứa nước mưa quy mô hộ gia đình ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu được thực hiện do nhóm tác giả Đinh Diệp Anh Tuấn, Nguyễn Hiếu Trung thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ và Huỳnh Thị Mỹ Nhiên Học viên cao học Quản lý tài nguyên và môi trường K22, Trường Đại học Cần Thơ.
Nước mưa là nguồn nước thay thế tiềm năng cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giá thành của một hệ thống thu gom nước mưa còn khá cao đối với các hộ dân nghèo ở vùng đồng bằng này, đặc biệt là chi phí đầu tư lắp đặt bể chứa nước mưa. Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 07 năm 2016 đến tháng 03 năm 2017 ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Nghiên cứu đã thực hiện các nội dung như sau: Khảo sát 102 hộ dân về hiện trạng sử dụng nước sinh hoạt và tiềm năng khai thác nước mưa; Tính toán tối ưu thể tích bể chứa cho hộ gia đình dựa trên kết quả đầu ra từ bước 1; Phân tích cân bằng nước trong bể chứa có thể được sử dụng để xác định tỉ lệ đáp ứng nhu cầu dùng nước của bể chứa nước mưa. Phương pháp xác định tỉ lệ đáp ứng nhu cầu dùng nước như trên cũng có thể được áp dụng để xác định các mức thể tích bể chứa có lượng nước mưa thu gom được tăng mạnh nhất; Tính toán cân bằng nước trong bể chứa kết hợp với phân tích lợi nhuận bể chứa nước mưa đã tạo thành phương pháp phân tích thể tích bể chứa nước mưa tối ưu cho vùng nghiên cứu.
Theo kết nghiên cứu cho thấy nhu cầu nước của hộ trung bình là từ 300 - 500 lít/ngày, diện tích mái nhà từ 50 - 100 m2, diện tích nơi chứa nước từ 1 - 3 m2. Ứng với nhu cầu nước và khả năng trữ như trên, thể tích bể chứa tối ưu là từ 1 - 3 m3 tùy theo loại vật liệu. Vật liệu kiệu sành có chi phí thấp nhất và thể tích bể chứa tối ưu là 1 - 3 m3, vật liệu bê tông cốt thép có chi phí cao nhất và thể tích bể chứa tối ưu từ 0,5 - 2 m3. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy (1) nhu cầu sử dụng nước, (2) giá nước, (3) vật liệu bể chứa và (4) diện tích mái nhà là những yếu tố chính ảnh hưởng đến việc xác định kích thước bể chứa nước mưa tối ưu. Tuy nhiên, các yếu tố trên cũng là những yếu tố bất định trong tương lai, do đó cần có những nghiên cứu phân tích tiếp theo về thể tích bể chứa và tiềm năng thu gom nước mưa cho vùng nghiên cứu. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu phân tích về tỷ lệ đáp ứng nhu cầu dùng nước và lợi nhuận thu được từ bể chứa nước mưa cũng phần nào cho thấy lợi ích trong đấu nối sử dụng nước mưa như nguồn nước bổ sung nhằm góp phần giảm áp lực cung cấp nước sạch.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ tập 54, số 3A (2018)