SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá đa dạng di truyền cho một số giống cúc (chrysanthemum spp.) ở miền Nam

[20/10/2018 08:49]

Cúc (Chrysanthemum spp.) là một chi thực vật lớn trong họ Asteraceae, đây là loại cây trồng làm cảnh lâu đời và quan trọng nhất trên thế giới, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa cúc không chỉ có giá trị về trang trí, làm đẹp cho cuộc sống, có giá trị trong y dược mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Trước đây, các giống cúc được xác định dựa trên các đặc tính nông sinh học và cảm quan dẫn đến việc xác định nguồn gốc và đặc điểm của từng giống bị sai lệch, từ đó làm giảm giá trị kinh tế của các giống. Gần đây, kỹ thuật RAPD được sử dụng phổ biến để đánh giá mức độ đa dạng di truyền và phân biệt các giống cây trồng ở mức độ phân tử. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả Hồ Viết Thế, Bùi Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Yến Nhi (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) đã sử dụng chỉ thị RAPD để đánh giá mức độ đa dạng di truyền của 12 giống cúc hiện đang được trồng phổ biến ở miền Nam, từ đó tìm ra các chỉ thị phân tử chuyên biệt để nhận diện từng giống cúc ở mức độ phân tử. Kết quả phân tích di truyền sẽ là cơ sở khoa học phục vụ công tác chọn tạo các giống cúc mới cung cấp cho thị trường và công tác quản lý nguồn gen.

Việc áp dụng chỉ thị phân tử RAPD vào nghiên cứu mức độ đa dạng di truyền của
giống cúc và xác định chỉ thị phân tử đặc trưng cho từng giống không chỉ rút ngắn thời gian canh tác mẫu mà còn mang lại hiệu quả sàng lọc và độ tin cậy cao cho công việc chọn tạo giống. Thông qua phân tích da dạng di truyền của 12 mẫu cúc từ các địa phương khác nhau, nghiên cứu này xác định được mức hệ số tương quan di truyền biến động trong khoảng 0,59 đến 0,86. Đây là thông tin giúp các nhà chọn giống có thể lựa chọn những giống có quan hệgần để tiến hành lai tạo giống mới, đồng thời có được cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác chọn tạo các giống cúc mới cung cấp cho thị trường cũng như phục vụ công tác quản lý, phân loại và bảo tồn nguồn gen. Bên cạnh đó, việc tìm ra 27 band đa hình đặc trưng ở các mẫu nghiên cứu có thể phát triển thành chỉ thị SCAR (Sequence Characterized Amplified Region) nhằm giúp việc xác định các giống cúc bằng chỉ thị phân tử trở nên chính xác và hiệu quả hơn.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm 13 (1) (2017).

Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ