Các yếu tố liên quan loãng xương nam giới
Hiện nay bệnh loãng xương rất phổ biến trong xã hội, gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Loãng xương làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh và trở thành gánh nặng cho ngành y tế, tài chính quốc gia
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những yếu tố sau có liên quan đến mất xương và gãy xương ở nam giới như: tuổi tác, trọng lượng thấp, hút thuốc lá, nghiện rượu, suy giảm hormon sinh dục... . Ở nam giới, mất xương có thể do một nguyên nhân duy nhất nhưng cũng có thể do kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ.
Để làm rỏ vấn đề nhóm nghiên cứu gồm Cao Thanh Ngọc, Võ Tam, Lê Văn Chi đã thực hiện một khảo sát về yếu tố liên quan loãng xương ở nam giới. Nhóm thực hiện theo phương pháp nghiên cứu cắt ngang có so sánh nhóm chứng, thực hiện trên 214 bệnh nhân nam giới ≥ 50 tuổi trong đó có 110 bệnh nhân loãng xương và 104 bệnh nhân không loãng xương tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược trong khoảng thời gian từ tháng 9/2013 – 3/2017. Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương bằng cách đo mật độ xương bằng phương pháp DXA theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (máy đo đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy). Đối tượng nghiên cứu được thu thập đầy đủ các dữ kiện về nhân trắc, tiền sử hút thuốc lá, gãy xương, nghiện rượu, hoạt động thể lực và đo nồng độ β-CTX, osteocalcin, testosterone theo bảng thu thập số liệu thống nhất.
Qua cuộc khảo sát cho thấy yếu tố liên quan giảm mật độ xương tại cổ xương đùi bao gồm giảm nồng độ testosterone toàn phần, tăng nồng độ β-CTX, giảm BMI. Yếu tố liên quan giảm mật độ xương cột sống bao gồm giảm nồng độ testosterone toàn phần, giảm BMI, tăng nồng độ β-CTX và giảm chỉ số androgen tự do. Loãng xương có mối liên quan với nồng độ testosterone (OR: 0,98; KTC 95% 0,97 - 0,99) và nồng độ β-CTX (OR: 1,05; KTC 95% 1,03 - 1,07). Phương trình hồi qui logistic tiên đoán xác suất mắc loãng xương Log(odds(P)) = -8,79 + 0,05*β-CTX -0,02*Testosterone.
Hình ảnh minh họa
Nguồn: nguoiduatin.vn
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Huế - Tập 8 (02); Trang: 46