Việt Nam xếp hạng 88 thế giới về Chính phủ điện tử
Với số điểm 0.59, Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử, đạt mức trên trung bình so với thế giới.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tìm hiểu về hệ thống quản lý nội khu trực tuyến của Công viên phần mềm Quang Trung trưng bày tại Diễn đàn kinh tế số. Ảnh: Hà Thế An.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ thông tin và Truyền thông cho biết thông tin này tại Diễn đàn kinh tế số Việt Nam do Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức tại TP.HCM ngày 01/11.
Kết quả khảo sát mới đây của Liên Hiệp Quốc về Chính phủ điện tử cho thấy, dịch vụ công trực tuyến là lĩnh vực mà Việt Nam có điểm cao nhất trong 3 chỉ số đánh giá. Tiếp đến là nhân lực, và hạ tầng viễn thông.
Với số điểm 0.59, Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia tham gia khảo sát về Chính phủ điện tử, đạt mức trên trung bình so với thế giới.
Theo ông Phúc, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số với việc triển khai công nghệ 3G, 4G và sẽ là 5G trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai,…còn chưa được thực hiện hoàn thiện
Dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến hiện nay vẫn chưa liên thông ở các sở ngành, địa phương nên còn khá rời rạc nên chưa phát huy được tính thống nhất và chia sẻ thông tin.
Người dân khi làm dịch vụ công thường phải khai báo thông tin nhiều lần cho mỗi dịch vụ. Vì thế, dù là dịch vụ công trực tuyến nên vẫn còn nhiều thủ tục, quy trình làm mất thời gian.
“Trong thời gian tới Bộ thông tin và truyền thông đặt mục tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4 (người dân không cần đến cơ quan nhà nước làm thủ tục hành chính mà làm trực tuyến tại nhà), 30% thông tin người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, 50% dịch vụ công trực tuyến được xử lý bằng hồ sơ điện tử,…”- ông Phúc nói.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM hiện tại thành phố có khoảng 80% người dân sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử. Đây được xem là nền tảng để thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị, ông Tuyến mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp TP.HCM phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng số. Kinh tế số với cốt lõi là cơ sở dữ liệu cũng sẽ giúp thành phố đưa ra những quyết định đúng đắn để giải quyết các vấn đề thực tiễn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường,…
Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện trưởng viện John Von Neumann, ĐHQG TP.HCM phát triển kinh tế số quan trọng nhất là dữ liệu. Tuy nhiên, việc quản lý và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định thì con người khó mà làm được. Vì thế cần phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và đưa ra những “tư vấn” khôn khéo từ kho dữ liệu này.
Mặt khác, cơ sở dữ liệu cũng cần phải có hành lang pháp lý trong việc phân quyền, phân cấp và chia sẻ thông tin với các đối tượng khác nhau trong xã hội như doanh nghiệp, người dân, cơ quan nhà nước,…
“Vì vậy, chúng ta cần phải có chuẩn kiến trúc chung để mọi hệ thống dữ liệu của các cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp có thể vận hành một cách thống nhất, chia sẻ được cho nhau”- GS Bảo nói.