Toán học giải mã thế giới hỗn độn
Năm nay là năm thứ ba Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức ngày hội Toán học Mở. Với chủ đề “Toán học giải mã thế giới hỗn độn”, mà theo Giám đốc điều hành VIASM, PGS Lê Minh Hà, tập trung vào những ứng dụng sâu rộng của Toán học, đặc biệt là những ứng dụng trong thời đại bùng nổ thông tin và dữ liệu, như mật mã học và trí tuệ nhân tạo.
GS. Hồ Tú Bảo (phải) và GS. Phan Dương Hiệu (trái). GS. Phan Dương Hiệu có bài giảng đại chúng về Bảo mật thông tin trong thời đại số trong khuôn khổ ngày hội.
Chủ đề này được thể hiện khá rõ nét trong tọa đàm bàn tròn: Việt Nam: từ AK đến AI diễn ra trong khuôn khổ ngày hội. Việt Nam là một nước có bề dày đầu tư cho Toán học, khởi đầu từ những năm kháng chiến ác liệt cho đến ngày hôm nay.
Theo GS. Hồ Tú Bảo, phụ trách Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, VIASM, những người “khá nhất” ở Việt Nam đều gửi đi học những ngành khoa học cơ bản như Toán, giờ đây có “đất dụng võ”. Điều này có thể trở thành lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, thậm chí còn hơn cả những nước trong khu vực như Thái Lan, vốn từ trước đến nay chỉ tập trung đầu tư cho Nông nghiệp, Y tế, Sinh học.
Thực tế, những năm gần đây trong các hội nghị về Trí tuệ nhân tạo, Machine Learning lớn trên thế giới, số người Việt tham dự rất đông (vài chục người), vượt xa các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đồng tình với ý kiến này, nhấn mạnh thêm rằng, lực lượng nghiên cứu về AI thường chiếm số lượng đông nhất trong khoa Công nghệ Thông tin ở các trường đại học lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có “đánh thức” được tiềm lực này hay không, phụ thuộc vào khả năng tổ chức nguồn lực và tập hợp dữ liệu lớn trên cả nước. Hiện nay, các nhóm nghiên cứu AI của Việt Nam chưa có liên kết với nhau, trùng lặp cả về bài toán nghiên cứu lẫn kết quả nghiên cứu, gây lãng phí còn dữ liệu thì vẫn rải rác ở các tổ chức, doanh nghiệp riêng lẻ.
Diễn ra vào ngày chủ nhật, 4/11, ngày hội năm nay có gần 3.000 người tham dự và không gian gây sự chú ý nhiều nhất là khu vực trải nghiệm Toán học.
Đây là lần đầu tiên ngày hội Toán học mở được diễn ra ở một trường phổ thông (Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) và có sự tham gia của các trường trong việc thiết kế khu vực trải nghiệm như Trường PT Liên cấp Olympia, Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Trường THPT Khoa học Giáo dục, Trường THPT Hồ Xuân Hương.
Dùng các hình chữ nhật 2D để tạo ra các khối đa diện 3D (Trường THPT Chuyên Hưng Yên).
Những hoạt động này là một gợi ý cho việc đào tạo Toán học theo hướng ứng dụng, gắn liền với những bài toán thực tiễn cuộc sống và các trò chơi, hiện đang được nhiều nhà giáo dục Toán học ủng hộ. Chẳng hạn như Tesselation (phủ mặt phẳng bằng các hình đơn vị), trò chơi Trí Uẩn là bài tập về đa giác; Dùng số màu ít nhất để tô màu bản đồ sao cho hai vùng liền kề nhau không cùng màu là sự giới thiệu về lý thuyết đồ thị, chăng dây giữa nhưng mấu đinh trên mặt phẳng là bài học về tổ hợp và đa giác…’
Di chuyển Tháp rùa từ Đầu sang Đuôi con rùa: Mỗi lần chỉ có thể di chuyển một đĩa từ cột này sang cột khác; Chỉ được di chuyển đĩa nằm trên cùng; Đĩa có kích thước lớn hơn không thể đặt trên đĩa có kích thước nhỏ hơn. (Học viện Sáng tạo S3).
Toán học trên những ô vuông: Làm sao để ba ô cạnh nhau trong một hàng hoặc một cột không được cùng màu, một hàng và một cột đầy đủ phải có số quân cờ màu đen bằng số quân cờ màu trắng, Không có hai hàng và hai cột giống nhau. (Pomath).
Từ các dạng hình căn bản và những sợi dây, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở của toán học (Học viện Sáng tạo S3).
Que diêm nhỏ, sáng tạo lớn với bảy bài toán. Ví dụ: Trồng 10 cây thành 5 hàng, mỗi hàng 4 cây, Trồng 20 cây thành 8 hàng, mỗi hàng 5 cây, Dùng 13 que diêm xếp thành 4 hình vuông giống hệt nhau, dùng 8 que diêm để xếp sao cho được nhiều hình vuông nhất. (Pomath).