Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Chiến lược) trên các loại hình thông tin: báo chí, xuất bản, thông tin công cộng trên Internet, thông tin cơ sở.
Theo Chiến lược, về báo in, báo điện tử, mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận báo in hoặc báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%;
Sắp xếp đầu mối các cơ quan báo chí theo Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng số lượng tạp chí khoa học; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Với loại hình báo nói, báo hình, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này.
Cùng với đó, tăng thời lượng phát sóng của các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; các kênh trung ương bảo đảm phát sóng 24 giờ/ngày...
Bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỉ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của kênh đó.
Đối với loại hình thông tin điện tử, mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương.
Cùng với đó, cũng đến năm 2025, 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng Internet đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, kết nối với các dịch vụ do Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước cung ứng; 100% các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của cơ quan, tổ chức Việt Nam được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thông tin, an toàn thông tin; 100% các trang thông tin điện tử Việt Nam cung cấp các thông tin cần thiết về cơ quan, tổ chức trên trang chủ theo quy định của pháp luật.
Về xuất bản, theo Chiến lược, thời gian tới sẽ duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, ổn định sách in truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025, đạt khoảng 580 triệu bản, tương đương 6 bản sách/người/năm; đến năm 2030, đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản sách/người/năm. Tăng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20-30% số lượng xuất bản phẩm.
Mục tiêu đề ra trong Chiến lược với lĩnh vực thông tin cơ sở là tăng cường sử dụng CNTT, dịch vụ viễn thông, Internet để đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh ở các xã để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.