Việt-Úc hợp tác nghiên cứu thành công hệ thống lọc asen trong nước ngầm
Kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Úc đã được triển khai thử nghiệm tại xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Các nhà khoa học kiểm tra hệ thống lọc nước asen tại Trường mầm non Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: Hằng My.
Hệ thống lọc asen trong nước ngầm là kết quả của dự án do Đại học Công nghệ Sydney (UTS) phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện từ tháng 4/2017 đến tháng 1/2019, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia qua chương trình Innovation Xchange.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi hội thảo “Asen trong nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng, hiện trạng và công nghệ xử lý ở quy mô phân tán” chiều 12/11 tại Hà Nội do Viện Công nghệ Môi trường và Đại học Công nghệ Sydney đồng tổ chức.
Theo ông Lương Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, khu vực phía nam Hà Nội, nước ngầm bị nhiễm asen rất nặng như Hoàng Mai, Mỹ Đình, Ứng Hòa, Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì; đặc biệt Thanh Trì có hàm lượng asen trong nước ngầm cao nhất, theo đánh giá của UNICEF. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi số công trình nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế rất thấp.
Ở đồng bằng sông Hồng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Thuỵ Sỹ kết hợp với Đại học Khoa học tự nhiên xuất bản năm 2011, khoảng 1 triệu người phải dùng nước có hàm lượng asen cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Người dân và chính quyền các địa phương đã có một số giải pháp như sử dụng bể lọc cát, cải tạo đường ống cấp nước sạch, tuy nhiên tình trạng nước ngầm nhiễm asen vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước thực tế đó, các nhà khoa học hai nước đã chọn ra 3 vật liệu tiềm năng nhất trên cơ sở hiệu quả xử lý asen và giá thành từ 30 vật liệu lọc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hệ thống lọc đảm bảo loại bỏ được asen trong nước xuống dưới 0,01mg/L, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN, vật liệu lọc lấy từ nguyên liệu trong nước, thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, phù hợp với người dân các địa bàn nghèo.
"Với việc vật liệu lọc asen được sản xuất ở địa phương có giá thành rẻ và bảo dưỡng đơn giản nên thiết bị phù hợp với điều kiện nông thôn ở Việt Nam" - tiến sĩ Nguyễn Tiến Vinh thuộc UTS, đồng chủ trì dự án, cho biết.
Hiện công nghệ đã được chuyển giao cho công ty để chế tạo hệ thống xử lý asen trong nước ở quy mô phân tán, phù hợp với hộ gia đình (với giá khoảng 2 triệu đồng một tủ lọc gia đình) và các công trình công cộng địa phương như trường học, trạm y tế.
Dự án đã triển khai hệ thống xử lý thử nghiệm tại xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, và xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Kết quả cho thấy, chất lượng nước khảo sát tại một số hộ nông dân xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tháng 6 và tháng 9/2017 trước khi sử dụng hệ thống lọc cho thấy hàm lượng asen trong mẫu nước ngầm vào tháng 9 dao động từ 0,029–0,189 mg/L và vào tháng 6 lên tới 0,31–0,4mg/L. Chất lượng nước sau khi lọc qua bể lọc cát tại địa phương đo vào tháng 6, tháng 9 đều có hàm lượng asen lần lượt là 0,143–0,233 mg/l và 0,013–0,129 mg/L, cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01mg/L).
Kết quả thử nghiệm của hệ lọc tại trường mầm non Hoàng Tây và hộ dân lần lượt sau 3 tháng và 1 tháng sử dụng cho thấy, hàm lượng As trong nước đi qua hệ thống lọc dao động lần lượt từ 0,002–0,005 mg/L và 0,001–0,004 mg/L thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài việc xử lý asen trong nước, hệ thống có thể xử lý các chất ô nhiễm khác như amoni, vi khuẩn, thông qua bổ sung các lõi lọc tương ứng.
"Chúng tôi mong muốn chế tạo ra thiết bị lọc phù hợp với điều kiện Việt Nam để người dân sử dụng loại bỏ asen khỏi nước, giảm tác động xấu của asen đến sức khoẻ" - giáo sư Vigneswaran thuộc UTS, đồng chủ trì dự án, phát biểu. "Với những kết quả từ dự án, hy vọng người dân sẽ có những thiết bị lọc tốt để có nguồn nước đảm bảo".
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, ở Việt Nam có 17 triệu người sử dụng nước ngầm bị nhiễm asen, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20 - 50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/L).