Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu được tác giả Trần Hoàng Giang thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thực hiện.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong sự hội tụ của hai hiện tượng quan trọng trong lịch sử nhân loại: sự gia tăng đô thị hóa toàn cầu và cuộc cách mạng kỹ thuật số. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay 54,6% dân số thế giới (3,6 tỉ người) sống ở các đô thị, nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, tỉ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị). Sự tập trung dân số, tốc độ gia tăng của đô thị đã mang lại cho các đô thị và quốc gia một số thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân; bắt đầu với các hạng mục cơ bản như: cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và ứng phó với thiên tai; các yêu cầu về nhà ở, an ninh, y tế và giáo dục, cũng như các vấn đề như truyền thông và giải trí. Đứng trước thực trạng này, một nội dung được đặt ra cho các nhà quản lý là phải xây dựng được đô thị thông minh nhằm gia tăng khả năng tương tác giữa người dân với chính phủ, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới phát triển bền vững các khu vực và quốc gia trên thế giới.
Việc xây dựng kế hoạch, quản lý và điều hành, đảm bảo cho các đô thị phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sẽ là những thách thức mà hầu như tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt trong thế kỉ XXI này. Quản lý và cải thiện chất lượng các đô thị đòi hỏi phải biết những gì xảy ra bên trong đô thị đó, điều này chỉ có thể nắm bắt được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, tham gia của người dân, cũng như sự tham gia của các bên liên quan chịu trách nhiệm quản lý chúng. Vì vậy, chuyển đổi “Đô thị truyền thống” thành “Đô thị thông minh” là một nhu cầu tất yếu.
Tác giả của nghiên cứu đã thực hiện xây dựng bảng khảo sát, tiến hành khảo sát 325 người dân tại TPHCM, số phiếu khảo sát hợp lệ là 301 được đưa vào xử lý và phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS để đánh giá và đưa ra kết luận.
Thông qua việc thực hiện nghiên cứu, tác giả đã thu được kết quả như sau: Thứ nhất, đã thiết lập được mô hình nghiên cứu về các nhân tố tác động việc xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM gồm có 6 nhân tố độc lập tác động đến biến phụ thuộc là xây dựng đô thị thông minh, đó là: Cuộc sống thông minh, Cư dân thông minh, Đi lại thông minh, Môi trường thông minh, Kinh tế thông minh và Quản lý thông minh. Thứ hai, thông qua phân tích định lượng đã xác định được các nhân tố và mức độ tác động đến xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM gồm 3 nhân tố là: Quản lý thông minh với mức độ tác động mạnh nhất, tiếp theo là Cư dân thông minh và cuối cùng là Kinh tế thông minh có tác động yếu nhất.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng số 8 nằm 2018