Nghiên cứu thực hiện đánh giá tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Nghiên cứu do 2 tác giả Lưu Ngọc An, Trần Phước Hiền thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng thực hiện.

Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, và các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.
Trong nghiên cứu này, tác giả trình bày phương pháp nghiên cứu thực hiện đánh giá tiềm năng điện mặt trời, đồng thời áp dụng cho địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Phương pháp thực hiện đó bao gồm các bước: thu thập dữ liệu, đánh giá sơ bộ tiềm năng năng lượng mặt trời, tiềm năng mặt trời lý thuyết, tiềm năng mặt trời kỹ thuật và tiềm năng kinh tế. Từ đó xác định được các khu vực có thể triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời, đáp ứng được theo yêu cầu thực tế của địa phương và qui định của Chính phủ, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra khảo sát thực tế tại các địa phương: gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật năng lượng tại trung ương và địa phương để trao đổi, phân tích đánh giá các vấn đề chuyên môn liên quan. Kết hợp xử lý các số liệu thực tế thu thập được trong quá trình khảo sát với việc nghiên cứu kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đơn vị và tổ chức khác đã thực hiện trước đây để thống kê, phân tích, dự báo, tính toán, đánh giá xác định tiềm năng lý thuyết, kỹ thuật, kinh tế và định hướng đấu nối điện mặt trời vào lưới điện tỉnh.
Trên cơ sở phương pháp nghiên cứu này có thể triển khai ở nhiều địa phương khác, góp phần tích cực nhằm phát triển điện mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng ở nước ta.
Dựa trên các kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu và tính toán tiềm năng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Ngãi, bài báo có thể đưa ra những kết luận như sau:
• Kết quả phân tích, đánh giá tiềm năng mặt trời xác định: tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng năng lượng mặt trời tương đối tốt.
• Tiềm năng năng lượng mặt trời kinh tế có tổng công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 396 MWp; diện tích đất phục vụ cho nhu cầu quy hoạch là 460 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Sơn và Đức Phổ. Trong đó:
- Giai đoạn đến năm 2020: tổ chức khai thác khoảng 149,92 MWp/164ha;
- Giai đoạn đến năm 2030: khoảng 246 MWp/296 ha.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng số 7 năm 2018