Startup phát triển drone để trồng lại rừng sau đám cháy
Vụ cháy rừng ở Bắc California vừa qua chính là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong vòng một thập niên trở lại. Và nếu những tổn hại về nhân mạng là không thể bù đắp, thì con người vẫn còn cơ hội làm gì đó để khôi phục lại diện tích rừng bị thiêu rụi.
Ứng dụng máy bay không người lái tỏ ra rất có triển vọng trong việc khắc phục hậu quả cháy rừng. Ảnh: DroneSeed.
Thật không may nhiệm vụ trồng rừng không hề dễ dàng như điều mà Johnny Appleseed (người có công phổ biến giống táo khắp vùng Đông Bắc Mỹ cuối thế kỷ 19) đã làm như có vẻ, bởi đó thực sự là một công việc dơ dáy, khá nguy hiểm và đòi hỏi cả trí tuệ. Vì thế, một công ty khởi nghiệp tại Seatle đã đưa ra một giải pháp công nghệ gieo hạt tại những khu vực rừng bị cháy, bao gồm sự kết hợp của máy bay không người lái (drone), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học.
Theo ước tính, hàng năm các đám cháy rừng thiêu rụi trung bình khoảng 7 triệu mẫu rừng (1 mẫu Anh bằng khoảng 4000 m2), trong khi phương pháp trồng lại cây của chúng ta thì lại không thật sự tốt. “Ngay đến cả ở những nơi hiện đại nhất thế giới, người trồng cây vẫn phải đóng vai siêu anh hùng với các công cụ như túi và xẻng” – doanh nhân Grant Canary nói với TechCrunch. Và đó cũng chính là động cơ thôi thúc ông thành lập công ty DroneSeed vào năm 2015 chuyên phát triển máy bay không người lái, có khả năng tự đưa ra quyết định nên trồng hạt giống ở đâu và thực thi – nhiệm vụ tưởng như chỉ con người mới làm được.
Loại drone của Canary sẽ được trang bị lidar (radar phát sóng laser thay cho radio) để quét và tạo bản đồ 3D cho một khu vực, cùng với một camera đa hướng để thu thập các thông tin chi tiết về đất cùng hệ thực vật ở đó. Nhờ dữ liệu đó, AI được tích hợp trên drone sẽ xác định vị trí lý tưởng nhất để trồng một cây mới. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là gieo hạt xuống đất, DroneSeed còn phát triển cả những chậu “hạt giống” đặc biệt – đó là các bọc nhỏ chứa chất dinh dưỡng bao quanh hạt giống nằm giữa và được phủ một lớp capxaixin (chất hóa học) bên ngoài để ngăn không cho thú vật tiếp cận. Ngoài ra, DroneSeed cũng trở thành công ty đầu tiên ở Mỹ được Cục Hàng không Liên bang cấp phép vận hành nhiều máy bay không người lái – có trọng tải lên tới 55 pound (hơn 22 kg) cùng lúc. Điều này đồng nghĩa với việc, công ty có thể triển khai drone theo đội hình lên đến 5 chiếc nhằm bao quát các khu vực rộng lớn.
Hiện tại, DroneSeed đang hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuân và công ty khai thác gỗ của Mỹ để thử nghiệm công nghệ này, đồng thời dự định sẽ khởi động dự án trồng lại rừng (bị cháy) đầu tiên trong tháng 12/2018. Sau cùng, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hữu ích của công nghệ trong việc khắc phục hậu quả cháy rừng vốn đang ngày càng phức tạp, hoặc chí ít là để không bị bỏ lại quá xa so với tốc độ tàn phá.